Ngày 7-11, Công an huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn tạm giữ hình sự ông Hồ Văn Định (40 tuổi) để làm rõ nguyên nhân vụ xe máy cày cán 2 người tử vong.
Cùng ngày, người thân đang tổ chức hậu sự cho anh Nguyễn Văn Khánh (28 tuổi, ngụ xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), người đi nhổ mì thuê và bị xe máy cày cán tử vong khi trú mưa hôm 5-11.
Tôi đợi cơm nhưng con mãi không về
Từ đầu ngõ, PV đã nghe tiếng khóc của người thân. Hàng xóm láng giềng đến lo việc trong đám tang anh Khánh, ai nấy cũng buồn rũ rượi.
Ngồi thu mình trên chiếc ghế đặt bên góc nhà gỗ, bà Nguyễn Thị Điểm (70 tuổi, mẹ anh Khánh), dùng tay đấm vào ngực rồi khóc tức tưởi khi có người hỏi về đứa con trai vắn số.
Theo bà Điểm, khoảng 17 giờ ngày 5-11, bà dọn chén đũa, đợi con trai về ăn cơm chiều. Thế nhưng, bà Điểm đợi hoài chẳng thấy con về. Thời điểm đó, dù ngoài trời mưa như trút nước nhưng trong lòng người mẹ nóng như lửa đốt vì linh cảm có chuyện chẳng lành.
Một lúc sau, có người dân trong thôn chạy đến báo tin con trai bà đã bị xe máy cày cán tử vong.
“Nghe tin con, tôi chết điếng. Hôm ấy, con dặn tôi nấu cơm, xào dưa chua để tối về ăn. Con cũng hứa hôm đó đi mua thuốc cho mẹ. Vậy mà con tôi không về với tôi nữa”, bà Điểm nhớ lại.
Cũng lời bà Điểm, vợ chồng bà vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 2006. Do không có ruộng đất nên cuộc sống chật vật. Vì thế khi lớn lên, anh Khánh phải làm thuê làm mướn khắp nơi để trang trải cuộc sống.
Khoảng hai năm nay, người cha bị tai biến, anh Khánh phải tìm việc gần nhà để có điều kiện chăm sóc cha.
Khi PV hỏi đến con trai, ông Nguyễn Văn Khương (75 tuổi, cha ruột anh Khánh), lặng lẽ ôm mặt khóc rồi thu mình lại bên góc giường, không đáp lại lời nào.
“Ổng bị tai biến ba năm nay, nói năng không rõ lời. Thường ngày, một tay thằng Khánh chăm cha, giặt giũ, dọn dẹp vệ sinh giúp cha già. Giờ con mất rồi, không biết mai mốt vợ chồng tôi sẽ như thế nào”, bà Điểm nói.
Nhìn hai vợ chồng già như ngọn nến trước gió, nay lại mất đi con trai, mất đi chỗ dựa, nhiều người dân đến viếng đám tang ai nấy cũng rơm rớm nước mắt.
Tìm mọi phương án để hỗ trợ người ở lại
Vượt hàng trăm cây số từ Nghệ An vào Đắk Lắk để lo hậu sự cho em trai, bà Nguyễn Thị Cúc (48 tuổi, chị gái ruột anh Khánh), cho biết bà lấy chồng, sinh sống ở Nghệ An.
Do hoàn cảnh khó khăn, vài ba năm bà Cúc mới có dịp vào Đắk Lắk thăm cha mẹ một lần. Vì thế, mọi việc phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ đều do anh Khánh cáng đáng.
“Giờ em mất rồi, trước mắt, tôi cùng bà con lo hậu sự cho em. Việc chăm sóc cha mẹ tạm thời nhờ bà con cô bác ở đây. Khi mọi việc xong xuôi tôi sẽ tính toán lại cho chu toàn”, bà Cúc nói.
Còn ông Nguyễn Văn Hương (57 tuổi, chú anh Khánh), cho biết sau tai nạn, gia đình ông chủ tới hỏi thăm. Tuy nhiên, gia đình chưa nhận tiền nhang khói vì còn nhiều thông tin chưa rõ về vụ việc.
Theo ông Hương, cháu trai của ông đi làm thuê, trú mưa và bị xe máy cày cán tử vong. Lúc đầu, có người nói xe tự nổ máy, tự di chuyển và gây ra vụ việc thương tâm.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng như người thân bức xúc vì không thể có chuyện xe máy cày tự nổ máy, tự di chuyển và muốn công an làm rõ vụ việc.
“Chúng tôi chia sẻ, thông cảm vì tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng phải chờ kết luận cuối cùng của công an để tường tận vụ việc. Giờ mất người là mất tất cả, bao nhiêu tiền của cũng không đổi lại được. Trước mắt, chúng tôi tập trung lo hậu sự cho Khánh”, ông Hương nói.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, cho biết ông Định - người liên quan vụ tai nạn là chủ xe máy cày, cũng là chủ một trạm cân trên địa bàn xã Cư M’lan.
Còn gia đình anh Khánh thuộc diện hộ nghèo. Anh Khánh là lao động chính vì cha bị tai biến, mẹ già hay ốm đau. Mấy năm trước, gia đình anh Khánh được địa phương hỗ trợ xây tặng nhà tình nghĩa.
“Chúng tôi đã đến động viên, thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình nạn nhân. Đồng thời, phía xã đã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ báo cáo lên cấp trên nhằm có hướng hỗ trợ kịp thời cho gia đình nạn nhân”, ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, trên địa bàn có nhiều xe máy cày lắp thêm rơ-moóc để hoạt động kéo, chở nông sản như mía, mì. Trước đây, tại địa bàn thôn 7, xã Cư M’lan cũng xảy ra trường hợp xe máy cày cán chết một người khi thu hoạch nông sản.
Theo ông Huy, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý những xe độ chế, không đảm bảo quy định lưu thông trên đường, Ban An toàn giao thông xã sẽ phối hợp, tuyên truyền người dân có biện pháp thu hoạch nông sản, trú mưa trú nắng an toàn, tránh những tai nạn không đáng có xảy ra.
Tạm giữ hình sự chủ xe
Như PLO đã thông tin, ngày 5-11, ông Định thuê 6 người đến rẫy của mình tại thôn 7, xã Cư M’lan để nhổ củ mì.
Trong số những người nhổ mì thuê có anh Nguyễn Văn Khánh (28 tuổi, ngụ xã Cư M’lan) và chị Lục Thị Háo (27 tuổi, ngụ xã Cư K’bang, huyện Ea Súp).
Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, do trời mưa to nên anh Khánh, chị Háo cùng xuống dưới thùng xe máy cày của ông Định trú mưa.
Một lúc sau, ông Định đi ra phía sau xe máy cày, thấy trên thùng xe có nước mưa chảy xuống, ướt những người ngồi dưới.
Vì vậy, ông Định đi lên nổ máy, mục đích để nâng thùng xe lên cho nước mưa chảy ra phía sau, không làm ướt những người ngồi dưới xe.
Tuy nhiên, khi ông Định vừa mở khoá khởi động thì xe máy cày lập tức di chuyển về phía trước. Lý do, lúc đó xe máy cày đang còn số và cài cầu sau.
Khi nghe người ở phía dưới thùng xe la hét, ông Định đạp phanh, hạ ga tay cho xe dừng lại. Tuy nhiên, vụ việc đã khiến anh Khánh và chị Háo bị bánh xe cán qua người, tử vong tại chỗ.
Theo Pháp luật TPHCM