7-1708516062.jpg
Buổi làm việc của phóng viên Văn hiến Việt Nam với ông Nguyễn Thành Đồng là Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ huyện Đức Thọ để nắm bắt, trao đổi về việc 41 di sản văn hóa độc đáo đã rời khỏi Di tích lịch sử cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Chùa Am (Diên Quang Tự) toạ lạc ở sườn núi Am, thuộc xã Phụng Công, Tổng Đồng Công trước kia, nay là xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Chùa là Di tích lịch sử cấp Quốc gia được Bộ Văn hoá – Thông tin trao chứng nhận vào ngày 13/2/1995. Là một ngôi chùa cổ có hơn 500 năm lịch sử, từng trải qua nhiều biến cố như thiên tai địch hoạ, chiến tranh khiến ngôi chùa cổ này cũng hư hại và mất mát nhiều tài sản quý giá. Sau này được trùng tu, cải tạo, chùa Am mới có vẻ đẹp trang nghiêm như hiện nay.

2-1708516062.jpg
Một góc phong cảnh chùa Am trong đầu xuân Giáp Thìn 2024 (ảnh do PV Trần Vũ Hoàng chụp ngày 20/2/2004).

Chùa Am có lối kiến trúc cổ theo kiểu “Nội công ngoại Quốc”, đây là sự kết hợp từ trong ra ngoài đúng với kiến trúc cổ trong Phật giáo (Nội công nghĩa là chùa cổ kính hình chữ Công, ngoại Quốc là các công trình trùng tu bao bọc xung quanh có hình chữ Quốc). Trao đổi với trụ trì chùa Am, thầy Thích Nhẫn Nguyện bộc bạch: “Ngoài việc thờ Tam Thế Phật, chùa Am còn thờ tự Bạch Ngọc Hoàng Hậu, theo ghi chép của chùa, bà mất ngày 22/6 niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông (1460/1497). Mộ táng tại bản Điển Sơn xứ Bì Cóc (thuộc rú Vua, gần đền Ngũ Long) nay gần ga Đức Lạc, huyện Đức Thọ. Bà là người có công khai hoang lập ấp ở vùng đất này, lập các chợ để mua bán sản phẩm, xây dựng kinh tế hỗ trợ cho triều đại nhà Lê. Dưới tay bà, các khu dân cư hình thành và lan rộng ra các vùng thuộc Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc ngày nay. Ghi nhận công đức của bà, các đời vua Lê sau này đã tạc tượng đồng đen cùng nhiều bảo vật quý giá đem về thờ tự tại chùa Am”.

3-1708516062.jpg
Sư trụ trì Chùa Am Thích Nhẫn Nguyện làm việc với nhóm PV tại chùa.

Trải qua mấy trăm năm biến cố, các bảo vật trong chùa đều đã bị mất cắp, tuy nhiên, chùa vẫn có những bảo vật mang giá trị lớn khác như kiệu rước, thuyền rồng, nhiều tượng cổ, đặc biệt, 41 bản sắc phong cũng được phát hiện ở đây. Cần phải khẳng định rằng, Chùa Am là nơi phát hiện, bởi lẽ trước đó, theo ông Trần Hồng Dần (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh) đã khẳng định: Từ những năm 1993 – 1995, trong hồ sơ trình lên Bộ Văn hoá – Thông tin cũng đã đề cập đến sự có mặt của 41 bản sắc phong tại chùa này.

Thầy Thích Nhẫn Nguyện mới tiếp nhận chùa Am kể từ năm 2019, thời gian này các bản sắc cổ đã được đưa đi mất, trong chùa cũng chẳng có bút tích hay giấy tờ nào lưu lại. Tuy nhiên, việc những hiện vật mang giá trị lịch sử văn hoá nằm trong một di tích Quốc gia được mang đi chỗ khác là điều cần phải xem xét lại. Bởi vì theo luật di sản, điều này không những không được phép, mà còn là vi phạm nghiêm trọng.

4-1708516062.jpg
Sư trụ trì Chùa Am Thích Nhẫn Nguyện tặng sách cho phóng viên tại Chùa, đồng thời Nhà sư khẳng định: “Những hiện vật mang giá trị lịch sử văn hoá lưu giữ trong một Di tích Quốc gia thì cần phải được quản lý theo Luật Di sản…”.

Kể từ năm 2006, khi nhà báo Trần Đức Thọ cùng đoàn nghiên cứu về với Chùa Am, chụp ảnh, báo cáo cho cơ quan chức năng, đồng thời mang bản ảnh ra Viện Hán – Nôm để dịch thuật các bản sắc phong này. Tưởng rằng sau khi các cấp ban ngành liên quan vào cuộc, những hiện vật mang tính lịch sử đang ở trong một di tích lịch sử cấp Quốc gia thì không thể mang đi chỗ khác được, hoặc là giao cho cơ quan có chuyên môn quản lý, bảo tồn những giá trị của 41 bản sắc phong đó. Tuy nhiên, “bằng một cách nào đó” những bản sắc phong này đã tìm đường về xã này rồi.

5-1708516062.jpg
Ông Trần Văn Thơ, công dân hiện đang sinh sống tại Thôn 3, xã Ân Phú sáng ngày 21/2/2024 làm việc với phóng viên và khẳng định: “Năm 2006 ông đã sang giúp đoàn nghiên cứu của Nhà báo Trần Đức Thọ tìm hiểu và chụp ảnh các bản sắc phong tại Chùa Am”.

Phóng viên Văn hiến Việt Nam tiếp tục tìm về đền Vại (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh), đây là nơi bắt nguồn của thông tin về 41 sắc phong được người khác “phát hiện” đã dẫn đến dư luận ở Hà Tĩnh có nhiều ý kiến thắc mắc trái chiều? Thậm chí có những ý kiến hoài nghi về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương bởi lẽ, 41 bản sắc phong hiện đang được để ở đền và trụ sở xã. Điều này dẫu vô tình hay cố ý thì vô hình chung đã phủ nhận hết công lao của những người đi trước, của đoàn nghiên cứu về Chùa Am năm 2006. Công lao của nguyên Giám đốc bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh Trần Hồng Dần, người đã được nhà báo Trần Đức Thọ đánh giá là có công rất lớn đối với 41 bản sắc phong ở Chùa Am. Bởi lẽ từ năm 1994 ông Dần tiến hành lập hồ sơ trình xét duyệt Chùa Am trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia thì cũng đã đề cập đến những bản sắc phong này.

Tại UNBD xã Ân Phú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ân Phú cho biết: “Khi xã Ân Phú sang nhận bàn giao các sắc phong tại Chùa Am năm 2011 thì tôi đã là Chủ tịch UBND xã, khi đó có cả Sở Văn hóa – Thông tin và có biên bản bàn giao. Xã cũng không cung cấp thông tin hoặc phát ngôn rằng ông Nguyễn Thế Phiệt là người có công phát hiện, dịch nghĩa và qui tập 41 sắc phong về xã. Chúng tôi chỉ đánh giá ông Cù Huy Chữ và ông Phiệt có công đóng góp trong việc tu bổ Đền Vại tại xã”. Còn ông Dương Thế Đạt, nguyên Chủ tịch UBND xã Ân Phú khi trao đổi với phóng viên ông Đạt cho biết: “Ngày đó xã sang nhận bàn giao chỉ có 36 sắc phong và có biên bản bàn giao, ông Nguyễn Thế Phiệt chỉ là người đi cùng chứng kiến cuộc bàn giao này…”.

6-1708516062.jpg
Ông Dương Thế Đạt, nguyên Chủ tịch UBND xã Ân Phú sáng 21/02/2024 đã làm việc với phóng viên và trao đổi thông tin về 41 sắc phong rời Chùa Am về Ân Phú.

Việc những bản sắc phong đã có mặt từ lâu đời tại Chùa Am cũng được phía lãnh đạo huyện Đức Thọ xác nhận, trao đổi với Văn hiến Việt Nam, ông Nguyễn Thành Đồng – Bí thư Huyện uỷ Đức Thọ cho biết: “Ngay sau khi nắm được thông tin trên Văn hiến Việt Nam, tôi đã chỉ đạo UBND để làm rõ vấn đề này. Ngày hôm qua tôi có trao đổi với anh Hùng (Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ) thì được biết, Chùa Am hồi xưa cùng nhân dân xung quanh gọi chung là vùng Thượng, trước đây 41 cái bản sắc phong này là hợp tự của các đền chùa… được tập trung về Chùa Am. Những bản sắc phong này không chỉ nói về mỗi Chùa Am mà còn nói đến những đền chùa khác, Đền Vại ở Ân Phú là một ví dụ. Sau đó thì có chuyển về xã Ân Phú một số bản và nhà chùa cũng giữ lại một ít. Việc này thì các đồng chí làm Văn hoá thời trước nắm rõ hơn”.

z5180178572073-0ebf65f06992abc866b6c8efbadf8d9c-1708517106.jpg
Ông Nguyễn Thành Đồng rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa và hoạt động của báo chí, ông đã chỉ đạo kịp thời để làm rõ việc các di sản này vì sao rời khỏi Chùa Am.

Như vậy, việc “phát hiện và qui tập 41 bản sắc phong tại Chùa Am” đã rất rõ ràng?  Còn lại, đường đi của 41 di sản văn hóa quí giá này đã phù hợp với các qui định của pháp luật hay chưa là điều cần phải làm rõ? Chưa kể đến vấn đề là 41 hay 42 sắc phong? Các sắc phong còn nguyên bản hay đã mai một sau khi di chuyển?.v.v… Về vấn đề này, ông Trần Hồng Dần – một nhà nghiên cứu văn hóa, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Các bản sắc phong ở Chùa Am rất quý, tôi biết có 2 bản nói về hai cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy (Sử Hy Nhan là nhà Văn hoá, nhà Sử học nổi tiếng thời nhà Trần cách đây 600 năm). Những bản sắc phong không chỉ nói về một xã mà nhiều xã và nhiều địa điểm, Đức Lạc cũng có, Ân Phú cũng có, và khi những ngôi đền của địa phương nào có trong sắc phong thì họ đến xin về để thờ tự thôi”.

8-1708516062.jpg
Ông Trần Hồng Dần tại buổi trao đổi với phóng viên Văn hiến Việt Nam sáng 21/2/2024 tại thành phố Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, ông Dần vẫn thấy điều này là hơi bất cập, ông nói thêm: “Các di tích lịch sử Quốc Gia như Chùa Am chẳng hạn, thì tất cả những hiện vật và tài liệu liên quan đến Chùa Am nếu di chuyển, phải được phép có ý kiến của Bộ văn hoá, Bộ đồng ý thì mới được phép di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nhưng theo tôi biết thì hồi đó huyện cũng xin ý kiến của Phòng Di sản thuộc Sở Văn hoá tỉnh Hà Tĩnh, cụ thể thế nào thì tôi cũng không nắm được vì lúc đó đơn vị tôi cũng chỉ là đơn vị cấp 2 của Sở Văn hoá”.

Việc làm sáng tỏ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc tại địa phương trong “câu chuyện 41 bản sắc phong” vẫn cần tiếp tục nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa đích thực. Bởi lẽ hiện tại, những bản sắc phong này liệu đã được lưu giữ đúng qui định hay chưa? Cũng như việc mang di sản văn hoá ra khỏi một Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia cần phải được xem xét một cách nghiêm túc? Chưa kể đến phía sau việc “mạo nhận” công lao phát hiện ra di sản văn hóa còn phát sinh những vấn đề phức tạp khác tại địa phương mà dư luận trong nhân dân đang đòi hỏi phải làm rõ? Văn hiến Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả xung quanh câu chuyện lịch sử này.

Giàng Nhả Trần - Trần Hoàng - Ngọc Trâm - Minh Điệp
(PV Văn hiến Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Hà Tĩnh)