Khi đời sống nhân dân phát triển, theo đó khôi phục lại lịch sử địa phương, khơi dựng lại truyền thống xóm làng và lịch sử các dòng họ cũng được chú trọng và phát triển. Nếu những tổ chức và các cá nhân con người thực hiện công việc tạo dựng, bảo tồn và phát huy giá trị này có kiến thức, có năng lực văn hóa và trung thực với văn hóa thì việc khôi phục bảo tồn đó rất có ý nghĩa và mang nội dung tích cực trong đời sống. Tuy nhiên, nếu một tổ chức hoặc cá nhân yếu kém về kiến thức, không đủ năng lực và không trung thực sẽ dẫn đến những nguy hại khó lường? Dẫn đến văn hóa “nhuốm màu đen” làm cho các thế hệ trẻ sau này hiểu sai lệch về lịch sử của địa phương nói riêng cũng như của đất nước nói chung. Mà việc “mạo nhận” để tuyên truyền, quảng bá về lịch sử văn hóa xảy ra ở Hà Tĩnh như dưới đây là một hành vi cần được làm rõ để ngăn chặn…
Vào mùa Xuân năm Bính Tuất 2006, gần đến ngày Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 (tổ chức từ ngày 18 đến 25 tháng 4 năm 2006 tại Hà Nội)… Ngày đó, nhà báo Trần Đức Thọ cùng các đồng nghiệp đang say mê đưa tin về “Vụ án PM18”, một vụ án nổi tiếng đầu Thế kỉ 21. Hàng ngày, các nhà báo, các trí thức hay gặp nhau để trao đổi về vụ án tham nhũng lớn này. Do gần đến ngày Đại hội Đảng, một hôm, tại nhà hàng Hải Xồm ở Số 23, phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Trường Tiến có sáng kiến: “Sắp Đại hội Đảng rồi, anh em chúng ta làm một chuyến đi về Hà Tĩnh vừa thăm quê hương Trần Thọ, vừa thắp hương cho Cố Tổng Bí thư Trần Phú và các Danh nhân ở Hà Tĩnh cho có ý nghĩa đi các bạn…”. Ý kiến của anh Tiến được ủng hộ tức thì, đầu tháng 4/2006 đoàn xuất hành (trong số những người có mặt hôm đó đến nay Giáo sư Trường Tiến và Tiến sĩ Văn Quang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Đà Nẵng đã mất khá lâu).
Về Hà Tĩnh, sau khi lên núi Kê Quan Sơn khảo sát, tìm hiểu và thắp hương (núi Kê Quan Sơn người dân nay thường gọi là núi Môồng Gà). Sau cả đoàn lại tiếp tục đi dâng hương tại di tích Cụ Phan Đình Phùng, TBT Trần Phú… rồi ra ngoài bờ biển Nghi Xuân để nghỉ lại. Cả đêm đó, anh Đỗ Bá Hiệp không ngủ, đứng ngoài hành lang khách sạn hút thuốc lá liên tục, cứ đi đi, lại lại. Đến gần 2 giờ sáng anh Hiệp đập cửa phòng anh em và nói: “Quay lại, quay lại, Hà Tĩnh lạ lắm, quay lại, họ không cho về, quay lại!”. Xe chạy quay lại đến thị xã Hồng Lĩnh anh Hiệp hỏi: “Phía trước mộ của các Cụ nhà Thọ nhìn ra xa xa có ngôi Chùa nào không?”. Nhà báo Trần Thọ trả lời: “Hướng phần mộ là nhìn sang Chùa Am anh ạ! Nơi đó là xã Đức Hòa mà Đức Hòa xưa là cùng xã với xã em”. Nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp bảo: “Chùa Am thẳng tiến”… Khi đoàn quay lại Chùa Am, nhà báo Thọ gọi cho ông Trần Văn Phúc và Trần Văn Thơ người cùng làng đi xe đạp sang Chùa Am để có chuyện cần làm thì nhờ vả, ông Phúc gọi thêm 2 người cùng làng đi sang Chùa đợi sẵn.
Chùa Am khi đó – Ngôi Chùa Cổ hàng trăm năm ít được tu sửa, mốc meo, cổ kính và u ê, Chùa nhưng không có sư trụ trì, gần như bị lãng quên tới gần trăm năm sau giải phóng… Tới Chùa, tìm mãi được một cán bộ Phòng Văn hóa huyện Đức Thọ đã nghỉ hưu nay về đảm nhiệm việc trông nom. Trong góc nhà ẩm thấp, mốc xanh, có một chiếc hòm cũ kĩ mốc meo, mạng nhện giăng đầy, chiếc hòm như bị quên lãng từ lâu. Khi anh Hiệp nói mở chiếc hòm ra, bên trong có 3 chiếc ống nứa kiểu cổ ngày xưa, mở ra, anh Đỗ Bá Hiệp reo lên: “Đây rồi, các Cụ đây rồi!”. Trong đó có tổng cộng 41 tấm sắc phong của các đời Vua để lại. Sau khi dâng hương và đốt trầm, cả đoàn quay phim, chụp ảnh toàn bộ các bản sắc phong tại đó. Đồng thời, ngay lúc đó Nhà báo Trần Đức Thọ gọi điện cho anh Trần Hồng Dần, giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh để thông báo về tình hình di sản quí có tại Chùa Am.
Sau giải phóng 1954, khu vực Nghệ Tĩnh là địa phương đi đầu trong phong trào phá bỏ các Đền, Chùa và hợp Tự đưa về một nơi. Theo đó, xã Ân Phú xưa kia là Ấp Trại Đầu của Phủ Hương Sơn, sau là Tổng Đồng Công, sau nữa là Ân Phú, Đức Hòa và Đức Lạc như ngày nay. Nên các sắc phong được Vua ban cho người dân Ân Phú cũng được hợp Tự sang Chùa Am. Một tài sản vô cùng quí giá theo anh Đỗ Bá Hiệp nói: “Đây là tài sản quí giá nhất cả nước chỉ còn ở đây mà tôi thấy”. Bác cán bộ hưu trông Chùa cũng ngạc nhiên về những bản sắc phong này.
Ra Hà Nội, nhà báo Trần Đức Thọ gặp và trao đổi với người bạn cùng quê là Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ (con trai nhà thơ Cù Huy Cận), anh Vũ giới thiệu đến Viện Hán nôm để dịch nghĩa 41 sắc phong. Tại Viện Hán nôm, anh Lê Duy là chuyên viên Thư viện Hán nôm (nay là Ts Lê Duy) đã dịch lại 41 sắc phong. Sau khi dịch, được Giáo sư Đào Thái Tôn thẩm định lại và xác nhận các bản dịch rất đúng nghĩa (GS Đào Thái Tôn nổi tiếng nhất Viện Hán nôm về dịch nghĩa chữ Hán Nôm, ông có công lớn trong dịch Truyện Kiều, nay Giáo sư mất đã lâu).
Sau khi có đầy đủ tư liệu về 41 sắc phong tại Chùa Am, Hà Tĩnh, nhà báo Trần Đức Thọ đã đăng nhiều bài viết để công bố trên một số báo về giá trị của 41 văn bản cổ này, như các báo: Pháp luật, Lao động – Xã hội, Văn hiến Việt Nam… Mùa Xuân năm 2007 trên Tạp chí Văn hiến Việt Nam cũng tiếp tục có bài viết “Đầu xuân – Đến với chuyện ở bên bờ sông La” nói về 41 bản sắc phong nói trên… Đồng thời, tại một Kỳ họp của Quốc hội Khóa 10 tổ chức tại Hội trường Ba Đình cũ, nhà báo Trần Đức Thọ đã gặp anh Trần Đình Đàn lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, anh Đàn cùng anh Hà Văn Thạch lúc đó là Bí thư Huyện ủy Hương Sơn, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng lĩnh hội nội dung về 41 sắc phong tại tỉnh Hà Tĩnh. Ngay bên hành lang của nghị trường Quốc hội, anh Trần Đình Đàn đã gọi điện thoại về UBND tỉnh và Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hà Tĩnh để yêu cầu có phương án quản lý, bảo vệ và bảo quản số sắc phong quí giá nói trên.
Như vậy, việc phát hiện và dịch nghĩa 41 sắc phong tại Chùa Am và công bố trên thông tin đại chúng đã được thực hiện từ năm 2006. Việc quản lý, bảo tồn giá trị của tư liệu lịch sử này cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo rất kịp thời ngay từ khi tiếp nhận thông tin về 41 sắc phong… Tuy nhiên, gần đây xuất hiện thông tin cho rằng một công dân đã có công “phát hiện, dịch nghĩa và qui tập 41 sắc phong” nói trên. Vậy 41 sắc đã và đang được bảo tồn từ lâu thì “phát hiện” ở đâu? Sắc phong có nơi và có địa điểm quản lý thì “qui tập” từ đâu? Không lẽ sau này 41 sắc phong đã bị thất lạc, trôi nổi trong dân gian mà đã có người bỏ công sức đi tìm và qui tập về cho xã Ân Phú?
Sau khi thông tin về 41 sắc phong này có người “phát hiện” đã dẫn đến dư luận tại một vùng quê ở Hà Tĩnh có nhiều ý kiến thắc mắc trái chiều? Thậm chí có những ý kiến hoài nghi về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương? Cũng từ chuyện thông tin về “phát hiện” sắc phong đã bộc lộ một số vấn đề trong hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mà phóng viên Văn hiến Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.
GIÀNG NHẢ TRẦN và TRẦN VŨ HOÀNG
(VPĐD Văn hiến Việt Nam Khu vực MTTN tại Hà Tĩnh)