Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, lễ khai giảng năm học 2024-2025 thống nhất trên cả nước vào sáng 5-9. Lễ khai giảng được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường.

Lễ khai giảng năm học mới gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn), đọc thư của Chủ tịch nước... Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.

aa-1725491320.PNG
Lễ khai giảng năm học mới này được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường.

Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.

Thứ hai, ngành giáo dục đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo.

Ngành giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, ngành giáo dục tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT; tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học 2024-2025, toàn TP tăng 24.097 học sinh. Trong đó, bậc THPT tăng nhiều nhất với 16.999 học sinh 13.831 học sinh công lập và 3.168 ngoài công lập.

Tuy nhiên, năm học 2024-2025 vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, số học sinh tăng nhiều ở cấp THPT (do chênh lệch giữa học sinh khối lớp 12 ra trường, và lớp 9 tốt nghiệp vào học lớp 10).

Đối với công tác xây dựng trường, lớp, dự kiến trong năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 412 phòng).

Ngày 5-9 sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 359 phòng). Sau ngày 5-9 cho đến hết tháng 12-2024 sẽ đưa vào sử dụng 5 dự án với 63 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 53 phòng).

Năm học này, TP.HCM cần tuyển 3.522 giáo viên cho năm học mới.

Năm học 2024-2025, TP.HCM tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng trường học hạnh phúc và xây dựng dự thảo bộ tiêu chí để công nhận trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Theo PLO