Ngày 20-11, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và các đơn vị liên quan.

15 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội vi phạm quy định về sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; đưa hối lộ; nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Sau khi HĐXX thẩm tra lý lịch các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... đại diện VKSND TP.HCM bắt đầu công bố cáo trạng.

v-1732090511.webp
Đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ Xuyên Việt Oil. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo cáo trạng, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil) đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, sử dụng trái phép 219 tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và 1.246 tỉ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.

Đối với số tiền trên, bị cáo Hạnh sử dụng chi tiêu cá nhân, cho bạn bè vay mượn và đưa hối lộ 22 lần với số tiền hơn 31 tỉ đồng cho 8 cá nhân.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Thắng (cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil - Chi nhánh Hà Nội) đã 3 lần giúp sức cho Hạnh để đưa hối lộ 300.000 USD cho Hoàng Anh Tuấn (cựu phó vụ trưởng Vụ TTTN - Bộ Công Thương) và Trần Duy Đông (cựu vụ trưởng Vụ TTTN - Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, khi đưa hối lộ giúp bà Hạnh, bị cáo Thắng đã rút bớt 50.000 USD.

v1-1732090540.webp
Cựu Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh tại phiên tòa. Ảnh: THUẬN VĂN

Cáo trạng thể hiện, do Công ty Xuyên Việt không đủ điều kiện được cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bị cáo Hạnh đã liên hệ nhờ cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải giúp và hứa sẽ cảm ơn sau khi được cấp giấy phép.

Qua giới thiệu của ông Hải, bà Hạnh liên hệ ông Hoàng Anh Tuấn để được hướng dẫn cụ thể. Ông Tuấn đã thống nhất với ông Trần Duy Đông để tạo điều kiện giúp đỡ Xuyên Việt Oil.

Ngày 17-6-2021, Đồng Xuân Dũng (lái xe của bị cáo Hạnh) đưa 10.000 USD cho cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil Nguyễn Văn Thắng để Thắng đi gặp gỡ, đưa quà cho Hoàng Anh Tuấn.

Sau khi gặp, Thắng báo cáo lại Hạnh đã đưa 5.000 USD cho ông Tuấn để nhờ giúp đỡ, còn 5.000 USD còn lại Thắng đưa vào quỹ công ty tại Chi nhánh Hà Nội.

Ngày 24-6-2021, hồ sơ xin cấp giấy phép của Xuyên Việt Oil không được chấp nhận vì chưa đáp ứng điều kiện. Bà Hạnh nhờ ông Tuấn giúp đỡ và hứa gửi chi phí cho việc cấp giấy phép là 300.000 USD.

Sau khi hoàn thành các thủ tục cấp giấy phép, bà Hạnh đưa 300.000 USD cho ông Thắng để mang đi hối lộ. Khi đi đến đường vào làm việc của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương Thắng kiểm tra túi tiền thấy có 300.000 USD và đã lấy ra 1 cọc 50.000 USD bỏ vào túi xách cá nhân.

Khi đến khu vực làm việc, Thắng vào phòng làm việc của ông Đông và nói: “Do dịch Covid, chị Hạnh không ra Hà Nội được. Chị Hạnh gửi quà cho các anh”. Sau đó, Thắng để túi đựng tiền sát bên chỗ ngồi của ông Đông trên ghế sô pha. Ông Đông giữ lại 120.000 USD và đưa cho Tuấn 130.000 USD.

v2-1732090568.webp
Các bị cáo trong vụ Xuyên Việt Oil tại phiên tòa. Ảnh: THUẬN VĂN

Ngày 12-11-2021, ông Tuấn đến kiểm tra điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu của Xuyên Việt Oil và nhận hối lộ thêm 10.000 USD. Ông Tuấn đã kí biên bản xác nhận Xuyên Việt Oil cơ bản đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.

Trên cơ sở đề xuất của ông Tuấn, ông Đỗ Thắng Hải đã ký ban hành giấy phép cho Xuyên Việt Oil có giá trị đến hết ngày 19-11-2026. Bà Hạnh đã đến Bộ Công Thương đưa cho ông Hải túi quà đựng 50.000 USD.

Cũng theo cáo trạng, đối với việc bị cáo Nguyễn Văn Thắng giữ lại 50.000 USD trong tổng số tiền 300.000 USD của bị cáo Hạnh đưa hối lộ, quá trình điều tra, bị cáo Thắng khai mục đích giữ lại tiền là để sử dụng cho chi nhánh Công ty tại Hà Nội và bà Hạnh không có ý kiến gì về việc này.

Bị cáo Thắng đã thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp số tiền 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo này hiện đã bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ 300.000 nên không có căn cứ tiếp tục xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.

Theo Pháp luật TPHCM