Báo động tình trạng đuối nước

Hiện nay, thời tiết ở Nghệ An bước vào mùa nắng nóng. Người dân, nhất là trẻ em có xu hướng tìm đến biển, sông, suối, ao hồ để bơi, tắm nên nguy cơ đuối nước cũng gia tăng.

Mới đây, ngày 17/4, sau khi tan trường, một nhóm học sinh lớp 7, trường Trung học Cơ sở Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa rủ nhau ra khu vực đập Khe Dứa (Xóm 2, xã Nghĩa Thuận) chơi. Trong lúc đi men theo mép nước, một em không may bị trơn trượt, sẩy chân rơi xuống. Khi em học sinh này bị rơi, một em học sinh khác đưa tay ra cứu nhưng không thành công, cả hai bị chìm xuống dòng nước sâu. Phát hiện bạn mình bị đuối nước, một học sinh khác chạy đi tìm người cứu nhưng lúc người dân đến nơi thì đã quá muộn. Đến khoảng 18 giờ, người dân mới tìm thấy thi thể hai nữ sinh.

Trước đó, chiều 6/4, một nhóm học sinh đến khu vực kênh thủy lợi N, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương để tắm khiến một em bị đuối nước, tử vong.

Chiều 31/3, nhóm học sinh lớp 11, trường Trung học Phổ thông Đặng Thúc Hứa rủ nhau vào khe Truống, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương để tắm. Trong lúc tắm, 3 em bị đuối nước, các học sinh khác đã tìm cách cứu hộ. Một em may mắn được bạn học cứu vào bờ, thực hiện hô hấp nhân tạo kịp thời nên thoát nạn. Tuy nhiên, hai em khác, hơn một tiếng đồng hồ sau người dân mới tìm thấy thi thể…

Theo thống kê, từ ngày 15/12/2023 đến giữa tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 12 vụ tai nạn đuối nước, làm 16 người chết. Các vụ việc tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghi Lộc, Đô Lương, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai… Những vụ việc kể trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước trẻ em tại Nghệ An.

Tình trạng trên diễn ra có một phần nguyên nhân chủ quan là do lãnh đạo một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong tuyên truyền, vận động, cảnh báo nguy hiểm đối với người dân, đặc biệt là trẻ em chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, phương pháp chưa có nhiều đổi mới phù hợp. Lực lượng cảnh giới, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực người dân tập trung tắm chưa được bố trí hoặc có bố trí nhưng quá ít so với yêu cầu. Nhà trường, gia đình còn thiếu sát sao trong quản lý học sinh, con em mình trong khi nhận thức, ý thức của người dân trước sự nguy hiểm và việc tự bảo vệ bản thân trong môi trường nước chưa cao...

Tăng cường phòng, chống đuối nước

Tỉnh Nghệ An có 13 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài trên 1.000 km, bờ biển dài 82 km; có nhiều kênh, ao, hồ trên các địa bàn dân cư; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, nắng nóng thất thường; trong khi điều kiện kinh tế của tỉnh chưa phát triển, kinh phí đầu tư các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, trong đó có bể bơi còn thiếu.

Thực tế cho thấy, hiện vẫn còn nhiều trẻ em không biết bơi và chưa được rèn luyện kỹ năng bơi an toàn trong trong môi trường nước; hoặc có trường hợp trẻ biết bơi, nhưng chưa có đủ kiến thức, kỹ năng cứu đuối nên bị đuối theo khi cứu bạn. Công tác dạy bơi cho trẻ em ở cơ sở tuy đã được quan tâm nhưng việc dạy bơi cho trẻ em chưa được thường xuyên, việc trẻ em được đi học bơi còn hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 220 bể bơi đạt yêu cầu về kích thước; các trường Tiểu học và Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông có gần 70 bể bơi cố định và di động.

Để giảm thiểu tình trạng đuối nước thương tâm, đặc biệt ở trẻ em, UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công điện hỏa tốc số 11/CĐ-UBND gửi Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành thị về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, trường học, các gia đình, cá nhân và toàn xã hội về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Các địa phương triển khai xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; nhân rộng mô hình trẻ em toàn xã biết bơi; học sinh toàn trường biết bơi; tăng cường công tác quản lý bể bơi, hoạt động dạy bơi cho trẻ. Các địa phương vận động xã hội hóa xây dựng bể bơi và dạy bơi, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa và có chế độ miễn, giảm cho trẻ em; rà soát, kiến nghị thành lập, duy trì hoạt động của các tổ, đội cứu hộ tại các bể bơi, bến bãi, bờ biển, các khu vui chơi, giải trí..

Các đơn vị cũng phải thực hiện tốt kế hoạch liên ngành phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức làm rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm tại các điểm, khu vực có nguy cơ, nguy hiểm; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành về phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả.

Đoàn Thanh niên đưa nội dung phòng ngừa tai nạn đuối nước vào Chương trình hành động tình nguyện hè năm 2024, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên cấp huyện, xã, thôn, xóm có khả năng bơi lội tốt tham gia thực hiện nhiệm vụ thường trực cảnh giới tại các bãi tắm biển, sông, suối, thác, khe, ao, hồ, đập lớn..., kịp thời phối hợp với các lực lượng khác phát hiện và ứng cứu các trường hợp đuối nước.

Để tăng cường kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh, mới đây, trường Tiểu học thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành phối hợp với Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống AC tổ chức chuyên đề “Kỹ năng phòng tránh đuối nước” cho hơn 600 học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Út, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Yên Thành cho biết: Việc tổ chức chuyên đề “Kỹ năng phòng tránh đuối nước” giúp các em rèn luyện, thực hành, trải nghiệm các kỹ năng phòng tránh đuối nước; nâng cao ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân trước những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn, nhất là tai nạn đuối nước trong dịp hè.

“Trong khi tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn tái diễn, việc triển khai các giải pháp phòng tránh đang được chính quyền địa phương, các ban, ngành nỗ lực thực hiện. Trong đó, giải pháp thiết thực nhất vẫn là sớm nhân rộng các mô hình dạy bơi trong nhà trường và cộng đồng dân cư”, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định.

Theo Bích Huệ (Baotintuc.vn)