- Tuy nhiên, nghe kỹ các nội dung ông Lê Doãn Hợp nói thì thấy hầu như không có nội dung mới, các khái quát của ông mới nghe thì thấy thú vị, nhưng nghĩ kĩ lại thấy không phải là phát hiện gì mới, thậm chí có những điều chung chung, không chính xác hoặc sai sót. Ông Hợp nói về nhiều vấn đề, trong đó có những nội dung ông không thực sự am hiểu và các nội dung ông truyền đạt có thể không phải là những điều ông nghiên cứu hoặc trải nghiệm.
- Gần đây, tại sự kiện kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2024) do Câu lạc bộ Trái tim người lính miền Tây tổ chức, ông Lê Doãn Hợp có đăng đàn phát biểu, được nhiều người chia sẻ và khen ngợi.
- Trong bài này, ông Lê Doãn Hợp tiếp tục thể hiện sở trường của ông, bằng cách nêu ra những nhận định có tính chất tổng kết, khái quát. Ngoài những nội dung chung chung, có 2 nội dung tôi thấy có vấn đề. 1: ông nói đại ý hào quang của dân tộc chủ yếu là do những người đã khuất tạo nên, những người đang còn sống cũng có đóng góp nhưng không thể so sánh với những người đã khuất.
- Đây là một nhận định rất lạ kỳ, bởi tôi chưa từng thấy ai nhận định và so sánh kiểu như thế. Nội dung này tưởng như đương nhiên đúng: những người đang sống chỉ ở thế hệ đương đại; trong khi nền tảng của dân tộc, lịch sử dân tộc đã được bao nhiêu thế hệ trước xây dựng nên. Tuy nhiên, nhận định này cũng không có cơ sở vì không ai có thể chắc chắn thế hệ những người đang sống hôm nay không thể làm nên những điều vĩ đại (hơn trước) cho dân tộc.
- Ông Lê Doãn Hợp nói đại ý là trong tất cả các sách ông đã đọc viết về chiến tranh Việt Nam, ông thấy chưa xứng đáng, chưa đúng so với sự hi sinh của người lính, đồng bào: “Tôi nghĩ là dân tộc mình không may mắn như dân tộc khác, ví dụ như Liên Xô ngày xưa, cả chiến tranh thế giới thứ 2 chỉ khái quát trong 1 tác phẩm đó là “Chiến tranh và hòa bình” và “Đàn sếu bay qua”.
- Ông Lê Doãn Hợp đã sai kiến thức trong nội dung trên. "Chiến tranh và hòa bình" là tiểu thuyết của Tolstoy được in lần đầu từ năm 1865 đến 1869. Đây là tác phẩm phản ánh lịch sử Nga, giai đoạn vua Pháp Napoléon Bonaparte xua quân đánh Nga vào năm 1812. Trong khi chiến tranh thế giới thứ 2 phải hơn 100 năm nữa mới xảy ra. Không rõ ông Hợp đã đọc và hiểu về tác phẩm này hay chưa?
- Tác phẩm “Khi đàn sếu bay qua” (chứ không phải “Đàn sếu bay qua”) lại là một tác phẩm điện ảnh. Và cho dù đây là 1 kiệt tác, thì cũng không thể nói nó đã khái quát được toàn bộ chiến tranh thế giới thứ 2 ở/diễn ra tại Liên Xô.
- Ông còn nói 1 ý nữa là ta không có sách có tầm khái quát như Liên Xô thì “cả dân tộc cùng viết thì có thể viết được”. Điều này không đúng với quy luật sáng tạo của nghệ thuật. Đánh giặc thì toàn dân đánh có thể thắng; nhưng viết sách hay thì không thể.
NƯỚC NHẬT KHÔNG ĐƠN GIẢN NHƯ ÔNG LÊ DOÃN HỢP NÓI
- Trong một lần đăng đàn diễn thuyết cho thanh niên trong một khóa tu mùa hè do chùa Ba Vàng tổ chức vào năm 2022, ông Lê Doãn Hợp đã khái quát về Nhật Bản như sau: Nếu xét về mặt văn hóa và đạo đức thì Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới; với 5 giá trị văn hóa cốt lõi:
- Người Nhật Bản rất yêu quý trẻ thơ; Yêu thương phụ nữ; Kính trọng người già; Tôn vinh người giỏi; Nghiêm khắc với người xấu.
- 5 khái quát nêu trên vừa đúng, vừa sai. Đúng bởi vì mọi dân tộc đều như thế. Bảo đảm ông Hợp đi đâu và nói về nước nào cũng đều đúng (Người Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung… chẳng lẽ không yêu trẻ, kính già, không yêu phụ nữ, không trọng người tài?). Còn sai, bởi vì không phải 100% người Nhật, hay 100% người tất cả các dân tộc, đều như thế. Không rõ ông Hợp đã sống ở Nhật được bao nhiêu năm, nghiên cứu về vấn đề gì ở Nhật, đọc những sách, xem những phim, kịch…, trải nghiệm những gì, hiểu những gì về Nhật, mà ông tự tin khái quát về Nhật như thế?
- Không rõ ông TS Lê Doãn Hợp nói về Nhật Bản giai đoạn nào? Còn nếu nói toàn bộ lịch sử Nhật Bản thì không đúng. Đế quốc Nhật Bản từng gây tội ác ở nhiều quốc gia trên thế giới, như thảm sát Nam Kinh (TQ, 1937) và gây ra cái chết cho 2 triệu người Việt Nam vào năm 1945. Hiện nay, người Nhật vẫn tàn sát cá voi, dù xã hội văn minh phản đối.
- Trong bài nói này, ông Hợp còn mắc lỗi ngụy biện khi đưa ra những hiện tượng cá biệt (xấu ở Việt Nam, tốt ở Nhật), để minh họa cho khái quát. Trong khi không dựa trên các số liệu điều tra xã hội học hoặc từ các công trình nghiên cứu tin cậy.
-TƯƠNG QUAN GIỮA NÓI VÀ LÀM?
-Bên cạnh nhiều người khen ông Lê Doãn Hợp nói hay, xúc động… cũng có không ít ý kiến chỉ trích ông, với lý do đương chức, ông không để lại ấn tượng, thành tựu gì đáng kể. Nghĩa là ông nói hay (thực ra chưa chắc đã hay), nhưng làm không giỏi. Trong khi người Việt (và mọi dân tộc) đều chú trọng thực tế, 1 trăm lời nói hay không bằng 1 việc làm có giá trị.
-Ông Lê Doãn Hợp là một trong những người chủ trì và trao “Kỷ lục Việt Nam” cho cái ram cuốn dài nhất Việt Nam (hơn 20m) của Hà Tĩnh vào năm 2023. Bị dư luận phê phán, ông Hợp lên FB viết đại ý là từ nay không trao những kỷ lục kiểu như thế nữa.
-P/s: Các cụ có câu: Nói hay trước hết phải đúng. Nói hay không bằng làm giỏi. Dở nhất là đăng đàn diễn thuyết về cái bản thân chưa am hiểu.
Cre: Trần Quang Đại