Trong số hơn 50 trẻ điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (Hà Nội), hầu hết đều mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nhiều trường hợp đã bị viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản.
Đơn cử như trường hợp của bé gái 15 tháng tuổi ở huyện Chương Mỹ. Sau hai ngày thấy con ho, sốt, thay vì đưa tới bệnh viện, mẹ bé đã tự ý mua thuốc về cho uống. Chỉ khi con không đáp ứng được với thuốc và có triệu chứng nặng, chị mới quyết định đưa con đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ khám. Tại đây, bé gái này được chẩn đoán mắc viêm phổi và phải nhập viện điều trị.
Tương tự, trong số hơn 100 trẻ điều trị tại khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội), phần lớn trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp như: Viêm phổi, cúm, sốt vi rút… Không ít trường hợp phải thở ô xy.
Bác sĩ Vũ Thị Mai, khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, có những trường hợp trẻ được đưa vào bệnh viện cấp cứu do thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ô xy. Trước đó, những bệnh nhi này chỉ có biểu hiện ho hắng. Đến khi thấy con bỏ bú, thở gắng sức, thở nhanh, thì bố mẹ mới cho vào viện. Khi đó, ô xy đã không bảo đảm nên phải hỗ trợ ô xy cho trẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có hơn 4 triệu trẻ em trên thế giới tử vong vì các bệnh viêm đường hô hấp cấp, chủ yếu là viêm phổi. Đáng chú ý, một em bé dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp 4 - 6 lần trong một năm, điều này khiến trẻ suy giảm sức khỏe, còi cọc, chậm phát triển. Đây thực sự là nỗi lo thường trực của hầu hết các bậc phụ huynh có con nhỏ, đặc biệt vào thời điểm giao mùa.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, tai-mũi-họng là vị trí cửa ngõ của đường hô hấp. Ngoài ra, tai-mũi-họng là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với không khí, thức ăn hằng ngày và cả các tác nhân gây bệnh như thời tiết, khói bụi, vi khuẩn, vi rút… nên dễ nhiễm bệnh.
Nhiễm trùng tai-mũi-họng phổ biến ở đối tượng trẻ em và thường xuyên tái phát nhiều lần. Nếu không được điều trị dứt điểm, chúng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm cầu thận, viêm màng não, viêm xương chũm, biến chứng nội sọ...
Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, đối với nguyên nhân gây bệnh tai-mũi-họng là vi rút, trẻ có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm. Còn đối với nguyên nhân là vi khuẩn, ngoài các chủng vi khuẩn phế cầu đã có vắc xin phế cầu, còn rất nhiều các loại vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh tai-mũi-họng khác như phế trực khuẩn, tụ cầu vàng, liên cầu... chưa có vắc xin đặc hiệu. Vì vậy, ly giải của vi khuẩn sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp cơ thể nâng cao khả năng phòng thủ.
Ly giải của vi khuẩn đã được sử dụng từ những năm 1970 trên thế giới như là vắc xin đường uống để phòng ngừa và điều trị viêm đường hô hấp. Ly giải vi khuẩn được tạo thành bởi một hỗn hợp các kháng nguyên vi khuẩn có nguồn gốc từ các loài vi khuẩn khác nhau thường gây ra bệnh lý tai-mũi-họng.
“Sử dụng ly giải vi khuẩn với dạng viên ngậm kích thích cơ thể sản sinh kháng thể tại vị trí dùng như niêm mạc mũi họng, khoang miệng, chống lại vi khuẩn gây bệnh tai mũi họng. Việc sử dụng ly giải vi khuẩn kết hợp với vitamin C dẫn đến sự gia tăng đáng kể bạch cầu ngay cả khi có nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Theo nghiên cứu, sử dụng kết hợp ly giải vi khuẩn và vitamin C có thể giúp giảm tới 50% tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cấp”, các bác sĩ khuyến cáo.
Bên cạnh đó, khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đưa trẻ đi khám để được điều trị. Không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị.
Theo Thu Trang (Hanoimoi.vn)