Những trang văn, bài thơ của Hải Thượng Lãn Ông về quê hương, làng mạc, núi non… đến nay vẫn luôn hấp dẫn, cuốn hút, điều này được thể hiện rất rõ trong Thượng Kinh ký sự.
1. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) là một Đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc, là nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam ở thế kỷ XVIII.
Lê Hữu Trác để lại một sự nghiệp đồ sộ với các tác phẩm nổi tiếng như Thượng Kinh ký sự, Châu ngọc cách ngôn, Nữ công thắng lãm, Vệ sinh yếu quyết… Đặc biệt là bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (28 tập, chia thành 66 quyển), được coi là cuốn Bách khoa toàn thư về Đông y, là cột mốc đánh dấu bước tiến mới, mở đường cho sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam.
Hải Thượng Y tông tâm lĩnh cho thấy nền y học cổ truyền Việt Nam có chân lý riêng, gắn liền kinh nghiệm thực tiễn, phù hợp với phong thổ và dược liệu Việt Nam; một nền y học thuần Việt, thấm nhuần đạo đức và đầy tính nhân văn, nhân đạo. Ngoài lĩnh vực y học, bộ sách còn có giá trị về nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, giáo dục, văn hoá học….
Hải Thượng Y tông tâm lĩnh có giá trị không chỉ ở trong nước Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Không những là một thầy thuốc giỏi, luôn hết lòng chữa bệnh cứu người, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một nhà văn với lối viết gần gũi, giản dị, tinh tế, trong sáng… Những trang văn, bài thơ của ông về quê hương, làng mạc, núi non, sông nước, thái độ sống… đến nay vẫn luôn hấp dẫn, cuốn hút; điều này được thể hiện rất rõ trong Thượng Kinh ký sự.
Ngay ở đoạn mở đầu của Thượng Kinh ký sự, tác giả viết: “Tôi thường dắt tiểu đồng lên núi. Tha hồ ngắm cảnh khói mây để tiêu khiển; hoặc ngồi ở đình Nghênh phong mà buông câu; hoặc ngồi ở lầu Tị huyên mà gảy đàn; hoặc ngồi ở đình Tối quảng mà đọc sách; hoặc ngủ trước bàn cờ ở nhà Di chân. Tha hồ vui thú. Thường ngà ngà say mới về…”[1].
(Đình Nghênh phong: Đình đón gió; Lầu Tị huyên Lầu tránh ồn ào; Đình Tối quảng: Đình rất rộng; Nhà Di chân: Nhà vui thú tự nhiên. Nhà Nho xưa thường đặt tên những nơi mình ở để ngụ ý mình).
Dọc hành trình lên Kinh đô chữa bệnh, khi đi từ Hoàng Mai đến Long Sơn, trước cảnh đẹp của núi non hùng vĩ, Lê Hữu Trác viết: “Ngày 22, tôi đem tùy tùng đi trước. Phía Tây, núi non trùng trùng điệp điệp, khi ẩn khi hiện trong đám mây trắng. Trên đường, có mấy ngọn núi nhỏ đứng tách riêng. Buổi chiều, nơi trắng nơi vàng làm cho cánh đồng thêm vẻ đẹp. Tôi đến núi Long Sơn, thấy một nơi quanh co, cổ thụ um tùm, thật là mát mẻ. Đá xếp như bàn, dàn ra thâm thấp có vẻ ngay ngắn lắm…”[2].
Cũng trên hành trình thượng kinh, khi đến nghỉ ở một chợ huyện, gặp một nhà sư, tác giả bộc bạch: “Chỗ tôi ở tuy là nơi núi non hẻo lánh, chỉ được cái nhàn hạ, tịch mịch: mây đầu non, trăng mặt biển, lòng tôi lưu luyến không nỡ rời. Ngày nay, không biết bao giờ tôi mới được trở về vui chơi với hươu nai, nói chuyện với bạn chài, người hái củi dưới bóng trời chiều”[3].
Bằng những ngôn từ mộc mạc, giản dị nhưng đã vẽ lên bức tranh của vùng quê Hương Sơn và nhiều nơi khác thật hữu tình, nước non, mây trời, trăng sao hòa quyện, không gian thật đẹp, yên bình. Tả cảnh Hồ Tây lung linh, huyền ảo, tác giả phác họa: “Tôi từ giã cụ xuống thuyền. Thuyền ra khỏi cái núi đá giữa hồ. Trông ra, nước biếc trời xanh, long lanh sóng gợn. Từng đàn cò trắng bay lượn, uyên ương từng cặp rập rờn ở bên kia bờ. Ở mé đê bóng cây Ly cung um tùm phất phơ, khi ẩn khi hiện. Trên cái bãi ở giữa hồ, một dãy lâu đài nổi lên. Cỏ hoa đua thắm, tiếng ca chài vang lên dưới bóng trời chiều. Chuông chùa vang lên giục mặt trời lặn. Tôi ngồi trong thuyền lấy làm khoan khoái vô cùng…”[4].
Là một người nặng lòng với quê hương, gia đình dòng tộc nên khi có dịp về quê, nhớ lại những ngày tuổi trẻ, Lê Hữu Trác không khỏi bùi ngùi: “Nguyên làng tôi có một cái đầm nhỏ hình cái bầu. Làng có hai xóm: một xóm ở trong, một xóm ở ngoài. ở giữa bắc một cái cầu để hai bên đi lại. Trên mặt cầu, dựng một cái nhà ngói, hai bên bắc ván. Bên ngoài, có đóng bao lơn bằng gỗ để người đi chơi nghỉ ở đây. Đàn bà trong làng đến đấy ngồi bán nước chè, bán rượu, bánh trái, nem chả. Lúc còn bé tôi thích ra đây chơi, ngày nào cũng vậy. Đầu mùa hạ, mưa to, nước sông lớn chảy vào mạnh, tôi thường cùng anh tôi (bây giờ là Thự trấn Lạng Sơn) ra đây tắm, nào hụp nào lặn, đến đêm khuya mới về…”[5].
2. Không chỉ trong văn xuôi, cảnh sắc làng quê hiện lên trong thơ của Lê Hữu Trác cũng rất sinh động, chân thực. Thơ của ông có sự tích hợp, đan xen giữa nhiều thể loại, từ thất ngôn bát cú, ngũ ngôn, tứ tuyệt, có khi chỉ một bài nhưng cũng có lúc lại hai, ba, bốn bài đi liền, có khi là bài họa…
Bằng những ngôn từ mộc mạc nhưng Hải Thượng Lãn Ông đã vẽ lên bức tranh của vùng quê Hương Sơn và nhiều nơi khác thật hữu tình.
Đọc thơ Lê Hữu Trác sẽ thấy phảng phất thi tứ của thơ Lý Bạch, cảm nhận ở ông một con người hồn nhiên, vui vẻ, yêu đời, yêu cuộc sống, hòa mình vào thiên nhiên. Lê Hữu Trác quan niệm làm thơ: “Thơ là để nói lên cái chí của mình. Chí của con người như thế nào thì thơ cũng như thế…”. Ông đã nói rõ: “Tuy thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay. Phải làm cho người đọc phải suy nghĩ mới hiểu được thì mới hay. Không phải bất cứ điều gì cũng phải nói ra bằng lời. Như thế mới là thơ có giá trị”.
Cất khăn thâm, dép mo chân xỏ,
Mang gươm, đàn, núi cũ về mau.
Anh hùng cài cửa trồng rau,
Cày mây, câu nguyệt, một bầu thanh cao.
Chén bên ao, trăng mời hai ngả;
Đàn cạnh song, hoa nở trăm màu
Cưỡi lừa, ác xế ngàn dâu,
“Lạc mai” khúc địch nghe đâu từng hồi!
Khi ở trọ tại Kinh đô, ông viết “Nhà trọ đêm mưa cảm hoài”:
Mưa sa gió táp thình lình,
Đìu hiu quán trọ mối tình ngổn ngang.
Cây xa, mây khói mơ màng,
Hồ bằng, mặt nước sáng choang sóng dồi…
Nhiều đêm, nhìn trăng nhớ về Hương Sơn, ông cảm tác:
Ấy mảnh nguyệt Hương Sơn đó thật
Sao đêm đêm soi đất thần kinh?
Nương lầu đàn hát rập rình,
Muôn vàn màu sắc, đài đình gần sông…
3. Điểm qua một vài điều về hồn quê trong thơ văn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để thấy rằng, tuy là một thầy thuốc giỏi, một người được Nhân dân yêu quý, được xã hội nể trọng nhưng trước sau, Lê Hữu Trác vẫn là một con người của đồng quê thôn dã, một con người luôn hòa mình vào cuộc sống của Nhân dân, cảm thương và trách nhiệm trước cuộc sống của người dân.
Nghĩ về thời đại ông, trong khi tầng lớp nho sĩ thường chuộng từ chương, văn chương khuôn mẫu, ưa điển tích điển cố thì ít người viết về làng quê, sử dụng ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, phản ánh cuộc sống rất đời thường như Lê Hữu Trác. Đây cũng chính là một mảng màu làm nên điều đặc biệt trong Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, để ông hoàn toàn xứng đáng được hậu thế kỷ niệm, tôn vinh.
[1]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, 1989, tr.7.
[2]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, 1989, tr.16.
[3]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, 1989, tr.20.
[4]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, 1989, tr.88.
[5]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, 1989, tr.114-115.
Theo Báo Hà Tĩnh