Có một số nơi lập đền thờ Quan Hoàng Mười, nhưng Đền thờ chính hiện nay là Đền Chợ Củi thuộc xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nơi đây lưu giữ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (Tam toà thánh vị, vạn thế Mẫu nghi) của người Việt đã được tổ chức Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao Chứng nhận đạt tiêu chuẩn Tam Tứ Phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) theo nghi lễ truyền thống Việt Nam. Trước đó, ngày 18/01/1993, Đền Chợ Củi đã được Bộ Văn hóa công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 57/QĐ-VH. Ngày nay, Đền Chợ Củi hàng năm luôn đón hàng vạn lượt khách đến hành hương, bái lễ. Việc nghi lễ tín ngưỡng tại Đền được nhân dân truyền tụng trở nên ngày càng linh thiêng nên cũng ngày càng thu hút du khách về với Đền Chợ Củi… Theo tín ngưỡng, Quan Hoàng Mười linh thiêng thì “Ngài ngự” ở đâu cũng linh thiêng, theo đó những nhân vật “dòng dõi” của Quan Hoàng Mười, hoặc những nhân vật bên cạnh Quan Hoàng Mười cũng là nhân vật linh thiêng không kém và cũng được nhân dân tôn trọng, bái thờ (cụ thể như Đền Cả – Dinh Đô Quan Hoàng Mười ở thị xã Hồng Lĩnh được cho là gia đình của Quan Hoàng Mười).
Mới đây, một số bà con nhân dân và cử tri phản ánh về việc quản lý lỏng lẻo, thu chi tài chính mập mờ, có nhiều biểu hiện vi phạm tại di tích Đền Truông Bát tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Theo đó, bà con cũng cho rằng, Đền gọi là Đền Truông Bát, thờ một nhân vật theo lịch sử tương truyền. Nhưng không hiểu sao Ban quản lý Đền lại treo biển, lập fanpage trên nền tảng facebook để giới thiệu quảng bá, thậm chí in ấn tài liệu, cung cấp thông tin cho báo chí rằng: “Đền Truông Bát là Đền thờ Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười” (tức thờ mẹ Quan Hoàng Mười)?. Nhiều ý kiến cho rằng đó là bịa đặt, mạo nhận để “mượn hoa cúng Phật”?.
Để làm rõ vấn đề có “mạo nhận” hay không?. Chúng tôi đã tiếp cận hồ sơ di tích hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và có kết quả: Ngày 25/10/2011, ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định số 3423/QĐ-UBND về việc công nhận 16 Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh của tỉnh Hà Tĩnh trong đó có Đền Truông Bát. Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 559/SVHTTDL-DS ngày 20/10/2011 để đề nghị công nhận các di tích này là di tích cấp tỉnh.
Tại hồ sơ có tiêu đề “Lý lịch Di tích Lịch sử – Văn hóa Đền Truông Bát, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh”. Hồ sơ này do một cán bộ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tên Nguyễn Thương Hiền viết và ký tên ngày 20/08/2011, được Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh là Lê Bá Hạnh ký xác nhận và đóng dấu, sau đó bà Phan Thư Hiền, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh ký duyệt và đóng dấu. Bản hồ sơ này gồm 9 trang giấy khổ A4 – Theo đó, toàn bộ 9 trang trong bản “Lý lịch” này cũng như trong Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh không có bất kỳ “một dòng chữ nào” liên quan đến “Thờ Thân mẫu Quan Hoàng Mười”. Như vậy, cơ sở nào để cho rằng Đền Truông Bát thờ “Thân Mẫu Quan Hoàng Mười” và Ban quản lý di tích có “bịa đặt, mạo nhận” hay không thì đã rõ(!). Cẩn thận hơn, nhóm phóng viên chúng tôi cũng thu thập hồ sơ về Di tích Quan Hoàng Mười, kể cả hồ sơ về Di tích Đền Cả – Dinh Đô Quan Hoàng Mười và tại hồ sơ cũng không có bất kì dòng chữ nào nhắc tới “thân mẫu” của Ngài(?). Vậy ai “bịa ra”, ai khởi xướng việc “mạo nhận” và mạo nhận để làm gì sẽ có câu trả lời tới đây khi một số sai phạm tiếp tục được làm rõ…
Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra chuyện “mạo nhận” tìm ra Sắc phong ở Chùa Am rồi số sắc phong đó hiện nay ra sao vẫn chưa có câu trả lời? Đến nay lại có chuyện mạo nhận về một nội dung cơ bản tại một di tích văn hóa đã gióng lên hồi chuông “cảnh báo khẩn” về công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tại quê hương vốn rất trọng thị văn hóa nơi đây. Văn hiến Việt Nam sẽ chuyển tải đến bạn đọc về tuyến bài “Nhiều bất cập tại di tích văn hoá Đền Truông Bát” trong các bài viết tiếp theo.
Theo hồ sơ về di tích nói trên lưu tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Đền Truông Bát là nơi thờ Vương Nương Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Lộc Hoa Công Chúa. Tương truyền Lộc Hoa Công Chúa tên thật là Phạm Thị Thoả, bà quê ở vùng Đỗ Gia nay thuộc phần đất của huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Có chồng tên là Nguyễn Duy Lạc, sống vào thế kỷ XV. Bà là người có công lớn trong việc giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho đất nước. Sau khi bà mất, nhân dân vô cùng thương tiếc một nữ tướng anh hùng đã phò Lê giúp nước nên đã lập Miếu sau thành Đền thờ Bà. Hàng năm, đền Bà Chúa Lộc lại mở tiệc vào ngày húy kỵ của Chúa là mùng 7 tháng 4 âm lịch.
Tương truyền vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, khi vua Minh Mệnh kinh lý qua đây bằng voi, ngựa, đột nhiên trời đất tối sầm, mây đen vần vũ, voi ngựa không chịu đi thêm nữa. Vua nhìn lên phía trước mặt cây cối um tùm rủ xuống ngôi miếu rêu phong. Linh khí bay lên từ đây. Nhà vua và quần thần cảm thấy trong người ớn lạnh vội buộc voi ngựa dâng hương lễ đến vái lạy. Một lúc sau, mây tan gió lặng, núi rừng trở lại phong quang, nhà vua và quần thần mới lại đi được. Thấy sự kỳ lạ của ngôi Miếu nơi “thâm sơn cùng cốc, về đến Triều, nhà vua sắc phong cho Miếu là “Vương Nương Thánh mẫu, Cao sơn Thần nữ, Chế Thắng mã vàng lê mại Đại vương thượng thượng thượng đẳng tối linh thần” rồi cho lập Đền thờ ngay trên Miếu thiêng và chỉ dụ cho các thần dân đến tế lễ.
Theo vanhien.vn