Như đã thông tin, câu chuyện bắt đầu từ một người dân quê ở xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) được xem là “người có công phát hiện, dịch nghĩa và qui tập 41 sắc phong vua ban” được đăng tải trên một tờ báo. Qua đó, những người hiểu biết và từng được tiếp xúc với những bản sắc phong này đều đã lên tiếng, kể lại chính xác quá trình phát hiện và dịch nghĩa những di sản độc đáo này. Tuy vậy, để làm rõ hơn vấn đề và có cách nhìn toàn diện, Văn hiến Việt Nam tiếp tục có những trao đổi với cơ quan chức năng, cùng những người liên quan đến sự việc.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Bùi Xuân Thập cho biết: “Sau khi có thông tin Văn hiến Việt Nam phản ánh, tôi đã làm việc với đồng chí Lĩnh (Trưởng phòng quản lý di sản – PV) và đi đến thống nhất, về chuyên môn thì chúng tôi sẽ nắm lại và soát xét một cách kĩ lưỡng. Khi có báo chí phản ánh thì mình phải tiếp thu thông tin để thực hiện công tác quản lý nhà nước được đúng với bản chất của vấn đề. Tôi trực tiếp giao nhiệm vụ và đồng chí Lĩnh cũng nhận lời”.
Đồng thời, ông Thập cũng nêu quan điểm chung với vai trò là Giám đốc Sở trực tiếp quản lý mảng này: “Về vấn đề sắc phong, tôi sẽ chỉ đạo anh em chuyên môn thu thập các tư liệu và thông tin, đặc biệt là về tư liệu, để rồi có thể dịch ra và đánh giá niên đại, nguồn gốc một cách khách quan nhất, phù hợp với giá trị lịch sử. Về công tác xử lý, trên cơ sở xem xét nguồn gốc của các bản sắc phong và báo chí đã phản ánh, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát và điều tra lại một cách nghiêm túc”.
Về phía huyện Đức Thọ (địa bàn quản lý Chùa Am, nơi khởi nguồn của “câu chuyện 41 bản sắc phong”). Ngay sau buổi làm việc với Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Thành Đồng mà Văn hiến Việt Nam đã nêu ở bài viết trước. Nhận được sự chỉ đạo của Bí thư, UBND huyện đã trực tiếp xác minh và kiểm đếm số lượng sắc phong còn lưu giữ tại Chùa Am. Đồng thời, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, ông Hoàng Xuân Hùng chia sẻ: “Qua thông tin báo chí cũng như chúng tôi đã khảo sát, chúng tôi đã làm việc với xã Hoà Lạc và BQL Chùa Am cùng một số người thuộc thế hệ trước. Chúng tôi đã rà soát và kiểm tra lại các sắc phong thì cho đến thời điểm hiện tại, ở Chùa Am còn lưu giữ 15 bản”.
Một bản viết tay duy nhất được cho là “biên bản bàn giao” còn lưu lại Chùa Am tới thời điểm hiện tại,… Việc tìm kiếm hồ sơ, giấy tờ liên quan vụ việc này vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện
Điều này lại không đồng nhất với buổi làm việc trước đó giữa Phóng viên Văn hiến Việt Nam với sư thầy Thích Nhẫn Nguyện – Trụ trì Chùa Am, Trụ trì Nguyện vì mới về giai đoạn năm 2019 nên không nắm rõ các bản sắc phong liệu có còn lại ở Chùa hay là đã mang đi đâu hết. Như để khẳng định cho việc ở Chùa Am còn sót lại 15 bản sắc phong, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Hoàng Xuân Hùng nói thêm: “Sau khi báo nêu thì chúng tôi tự mình lên kiểm tra ngay nên chắc chắn là đúng sự thật, ở chùa đang còn lưu giữ 15 bản. Về biên bản bàn giao các bản sắc phong nêu trên, thì hiện tại chúng tôi chỉ biết mới có một cái biên nhận, đây coi như biên bản bàn giao 2 đạo sắc phong từ Chùa Am (xã Đức Hoà) giao cho xã Ân Phú, còn việc giao nhận trước đó nữa thì hiện tại vẫn chưa tìm ra”.
Trong việc bàn giao hai bản sắc phong mà ông Hùng cung cấp, có vỏn vẹn một tờ giấy A4 với tiêu đề là “Giấy giao nhận”, đồng thời ghi rõ việc giao nhận được diễn ra tại nhà riêng của ông Đoàn Văn Hiếu (Trưởng ban thờ tự Chùa Am lúc bấy giờ), có sự chứng kiến của ông Nguyễn Tiến Hành (thành viên ban thờ tự Chùa Am). Bên nhận là ông Phạm Quang Tùng (cán bộ xã Ân Phú) và ông Nguyễn Thế Phiệt (người dân đại diện cho nhân dân xã Ân Phú). Giấy giao nhận cũng ghi:”Các ông có thành phần trên đại diện cho hai xã tổ chức giao nhận đầy đủ hai đạo sắc đảm bảo theo thủ tục thoả thuận và chịu trách nhiệm trước trình tự theo nguyên tắc để đảm bảo tính lâu dài. Việc giao nhận vào hồi 10h30p ngày 26/4/2011”.
Đây là tờ giấy được xem là thể hiện rõ nhất cho công tác “bàn giao” những bản sắc phong từ Chùa Am về xã Ân Phú đến thời điểm hiện tại. Chưa bàn về mặt đúng sai của tờ giấy này, nhưng từ ngữ và danh xưng trong tờ giấy liệu đã phù hợp hay chưa? Khi một người tự xưng là “đại diện nhân dân xã Ân Phú” và một người ghi chung chung là “lãnh đạo xã”. Chưa kể trong câu dẫn mà Văn hiến Việt Nam vừa trích nguyên văn ở trên, vẫn chưa được rõ nghĩa.
Như vậy, sau khi có sự kiểm tra của UBND huyện Đức Thọ, hiện tại Chùa Am còn lưu giữ 15 bản sắc phong, điều này so với thời điểm đoàn công tác do nhà báo Trần Đức Thọ về tìm hiểu năm 2006 là 41 bản, việc xã Ân Phú (huyện Vũ Quang) đang lưu giữ 26 bản sắc phong là hoàn toàn có cơ sở. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi tiếp tục tìm về Ân Phú và có buổi làm việc với Bí thư, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thư. Tại trụ sở xã, ông Thư cho biết: “Hiện tại tất cả các sắc phong đang được bảo quản ở phòng làm việc của tôi đây, toàn bộ được bỏ vào trong 3 chiếc hộp, chỉ được đưa ra khỏi tủ đựng khi rước vào Đền Vại vào ngày lễ 12/2 hàng năm. Vì là ít mở ra để kiểm đếm, chỉ mở ra vào ngày lễ trọng đại để cho người dân rước về đền cúng bái, rồi trả về cho xã nên số lượng cụ thể từng tờ thì trong đợt lễ sắp tới tôi sẽ kiểm đếm chi tiết hơn. Sau đó sẽ thông báo cụ thể với báo chí”.
Tiếng nói chân chính của những người trọng thị văn hoá
Ngày ngày 27/2/2024 (tức 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại trụ sở UBND xã Hoà Lạc, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Kỳ Sơn, nguyên là cán bộ văn hoá xã Đức Hoà và hiện nay đang là cán bộ văn hoá xã Hoà Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay xã Đức Hoà sáp nhập với xã Đức Lạc gọi là xã Hoà Lạc). Ông Nguyễn Kỳ Sơn sinh ngày 10/10/1964, hiện sinh sống tại thôn Đông Đoài, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, là công chức văn hoá xã và là người có trình độ được đào tạo về chuyên ngành luật, là người trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc các sắc phong từ lần đầu tiên cho đến tận sau này vào năm 2011…
Làm nhiệm vụ phụ trách văn hóa của xã Hòa Lạc từ năm 2001 đến nay, ông Kỳ Sơn cởi mở chia sẻ với phóng viên Văn hiến Việt Nam: “Lần đầu tiên vào khoảng năm 2007, 2008, thì tại nhà ông Đoàn Văn Hiếu là cán bộ huyện Đức Thọ về nghỉ hưu ở thôn 2, xã Đức Hoà, khi ấy ông Hiếu về trông nom Chùa Am, có mấy người ở xã Ân Phú sang xin được đưa sắc phong về Ân Phú để lưu giữ. Trong số đó có hai người tôi biết đó là ông Dương Thế Đạt là Chủ tịch UBND xã Ân Phú và ông Phạm Quang Tùng là cán bộ xã Ân Phú (ông Tùng hiện nay là Phó Bí thư Đảng uỷ – Trưởng ban MTTQ xã Ân Phú, – PV); trong số người sang lần đầu ấy không có ông Cù Huy Chữ và ông Nguyễn Thế Phiệt. Còn về phía xã Đức Hoà lúc đó có ông Lê Minh Hồng là Chủ tịch UBND xã và ông Đoàn Văn Hiếu trông nom Chùa Am và tôi. Lần làm việc đó về phía xã Đức Hoà chúng tôi không đồng ý cho mang sắc phong đi, vì khi đó không có giấy tờ thủ tục nào về các sắc phong. Chính vì vậy ai đó ở xã Ân Phú nhận là có công phát hiện, dịch nghĩa, qui tập 41 sắc phong về Ân Phú là nhận bừa, nói sai sự thật, vì lúc đó các sắc phong đang được chúng tôi cất giữ trong Chùa Am thì phát hiện và qui tập ở đâu?”.
Ông Sơn tiếp tục cho biết: “Cuộc gặp lần tiếp theo vào khoảng năm 2009 tại trong Chùa Am, thành phần về phía xã Ân Phú vẫn có ông Dương Thế Đạt và ông Phạm Quang Tùng, lần này có thêm một ông tên là Cù Huy Chữ và ông Nguyễn Thế Phiệt; về phía xã Đức Hòa có ông Lê Minh Hồng là Chủ tịch UBND xã, ông Đoàn Văn Hiếu và tôi, trên huyện có ông Hồ Quốc Tuấn là Trưởng phòng Văn hoá huyện Đức Thọ. Nội dung xã Ân Phú vẫn tiếp tục sang xin các sắc phong đưa về Ân Phú nhưng bên phía xã Đức Hoà không đồng ý… Sau đó khoảng vài tháng, chừng tháng 5, tháng 6 năm 2009 lại có một cuộc gặp tiếp theo, thành phần cũng giống như cuộc gặp lần thứ 2 nhưng lần thứ 3 này có thêm ông Trí Sơn cán bộ thuộc Sở Văn hoá Hà Tĩnh và cán bộ huyện Vũ Quang. Lần gặp này do tôi cương quyết không đồng ý nên có người về phía đoàn của xã Ân Phú ngang ngược đòi đuổi tôi ra khỏi phòng họp tại Chùa Am. Do lần này có cán bộ của Sở Văn hoá và thấy nói có chỉ đạo cho bàn giao, tuy nhiên xã Đức Hoà chúng tôi và cán bộ văn hoá huyện Đức Thọ là ông Hồ Quốc Tuấn vẫn kiên quyết không đồng ý bàn giao sắc phong, vì bàn giao là trái với Luật Di sản, chúng tôi yêu cầu phải có quyết định của Bộ Văn hoá thì mới đồng ý cho bàn giao”.
Những lần bàn giao đều không thành, lần tiếp theo sau cùng khi có ý kiến nào đó từ tỉnh thì dẫn đến việc bàn giao, lần giao cuối cùng vào khoảng tháng 6/2011, ông Nguyễn Kỳ Sơn cho biết thêm: “Ý kiến đồng ý cho bàn của UBND tỉnh thì chúng tôi không nắm rõ, vì cái đó ông Đoàn Văn Hiếu nắm giữ, còn như tôi biết cụ thể thì ông Nguyễn Thế Phiệt chỉ là người dân là thành phần đi theo giúp việc cho ông Cù Huy Chữ, chứ ông Phiệt không có công lao hay trách nhiệm gì liên quan đến các sắc phong được bàn giao này”. Cuối buổi làm việc ông Kỳ Sơn nói với thái độ trĩu buồn: “Tôi và đồng chí Hồ Quốc Tuấn là người kiên quyết phản đối việc di dời các sắc phong ra khỏi chùa. Vì tôi là người cũng nắm rất rõ Luật Di sản. Tôi biết việc làm đó là không đúng, trái với Luật Di sản, chúng tôi bị sức ép từ nhiều phía, nên phải chịu. Còn bàn giao cho xã Ân Phú thì chỉ 26 sắc phong, lần thứ nhất là 24 sắc phong có biên bản ông Hiếu giữ, lần thứ hai là 2 sắc phong có giấy viết tay đang kẹp cùng 16 sắc phong gửi trong Chùa Am. Cho nên ở xã Ân Phú nhận công lao và nói đã qui tập về 41 sắc là nói sai sự thật”.
Theo ngọn nguồn sự việc, chúng tôi đã gặp và làm việc ông Lê Minh Hồng, nguyên Chủ tịch UBND xã Đức Hoà. Ông Hồng sinh năm 1959, hiện sinh sống tại xóm Đông Xá, xã Hoà Lạc. Khi nhắc đến chuyện bàn giao các sắc phong, ông Hồng cẩn trọng nói: “Vào thời điểm năm 2009, tôi là Chủ tịch UBND xã Đức Hoà, tại Chùa Am có cuộc gặp gồm các thành phần là về phía xã Ân phú có ông Dương Thế Đạt chủ tịch xã, và ông Phạm Quang Tùng cán bộ của xã Ân Phú, ông Cù Huy Chữ quê xã Ân Phú và ông Nguyễn Thế Phiệt người dân quê xã Ân Phú; còn về phía xã Đức Hòa có tôi là Chủ tịch UBND xã, ông Đoàn Văn Hiếu người trông coi Chùa Am, ông Nguyễn Kỳ Sơn cán bộ phụ trách văn hoá xã Đức Hoà, trên huyện có ông Hồ Quốc Tuấn là Trưởng phòng Văn hoá của UBND huyện. Về phía Sở Văn hoá trên tỉnh có ông Trí Sơn. Nội dung cuộc gặp là bên phía xã Ân Phú sang xin đưa các sắc phong về xã Ân Phú nhưng về phía bên xã Đức Hòa và huyện Đức Thọ không đồng ý. Vì không đồng ý nên phía xã Ân Phú xin mượn về để làm thủ tục khánh thành Đền Vại, tuy chỉ là mượn nhưng phía chúng tôi cũng không cho mượn. Sau đó tôi có nhận được một cuộc điện thoại can thiệp của một cán bộ trên huyện Đức Thọ nói tên là Cù Huy Dần nhưng tôi cũng không đồng ý cho mang sắc phong đi. Còn ông Nguyễn Thế Phiệt tôi khẳng định chỉ là người dân đi theo trong đoàn để giúp việc cho ông Chữ, ông Chữ sai việc gì thì ông Phiệt làm việc đó chứ ông Phiệt không biết gì và không có công lao gì gì trong việc này”.
Còn ông Trần Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc hiện nay cho biết: “Khi đó tôi là Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đức Hoà nên được tham gia buổi bàn giao, bàn giao cho xã Ân Phú 2 lần, lần 1 là 24 sắc phong có biên bản bàn giao, lần 2 là 2 sắc phong vào năm 2011 có giấy viết tay. Còn lại để trên chùa 16 sắc phong, anh em mới kiểm tra. Thông tin 41 sắc phong đã qui tập về Ân Phú là sai”.
Như vậy đã rõ, “câu chuyện về 41 sắc phong tại Chùa Am” không chỉ bất cập mà còn có những khuất tất, sai phạm, cần phải làm rõ để giải quyết. Để những cán bộ tâm huyết với công cuộc bảo tồn di sản văn hoá được phát huy đúng với vai trò và nhiệm vụ của họ, như ông Nguyễn Kỳ Sơn, Hồ Quốc Tuấn, Trần Văn Điền… Không chỉ khi họ còn công tác mà ngay cả khi họ đã nghỉ hưu vẫn sẽ tiếp tục đóng góp công sức của mình trong việc bảo vệ và phát triển văn hoá. Cũng như các di sản văn hoá phải được quản lý và bảo tồn theo đúng nghĩa “cần phải có những con người đủ năng lực văn hoá và trung thực với văn hoá”.
GNT - Trần Hoàng - Minh Điệp - Ngọc Trâm (Văn hiến Việt Nam khu vực Miền Trung và Tây Nguyên tại Hà Tĩnh)