Có lẽ ít ai còn nhớ HLV đầu tiên của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) khi trở lại môi trường quốc tế là ai?
HLV trong nước không "mát tay"
Đó là ông Vũ Văn Tư, đang là HLV của đội Quảng Nam - Đà Nẵng rất mạnh vào thời điểm đó. Thế nhưng, ông chỉ là HLV đội tuyển quốc gia Việt Nam trong 7 ngày do sự cố 11 cầu thủ của Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Quảng Nam - Đà Nẵng rời bỏ đội do điều kiện sinh hoạt, luyện tập ở Nhổn quá tệ.
11 tuyển thủ này tất nhiên bị kỷ luật và HLV Vũ Văn Tư cũng chịu chung số phận. Thay ông Tư là ông Nguyễn Sỹ Hiển và ĐTVN bị loại từ vòng bảng. Qua SEA Games 1993, ĐTVN cũng bị loại từ vòng bảng khi HLV là ông Trần Bình Sự.
Từ năm 1993 đến 2017, suốt 24 năm, nối tiếp ông Hiển, ông Sự lần lượt là các ông Trần Duy Long (năm 1997), Lê Đình Chính (năm 1997), Nguyễn Thành Vinh (năm 2003), Trần Văn Khánh (năm 2004), Phan Thanh Hùng (năm 2011), Hoàng Văn Phúc (năm 2013 - 2014), Nguyễn Hữu Thắng (năm 2016 - 2017) nhưng không có bất kỳ HLV trong nước nào dẫn dắt ĐTVN có được thành tích ở 2 đấu trường quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam (BĐVN) là SEA Games và AFF Cup.
Những HLV ngoại đáng nhớ
Người đầu tiên là ông Edson Tavares. Tại Cúp Độc Lập diễn ra đầu năm 1995, dù thi đấu với 2 đội hình ĐTVN I và II nhưng ông Tavares đã xuất sắc trình làng 2 đội tuyển thi đấu rất ấn tượng: mạnh mẽ, máu lửa và đặc biệt thể lực vượt trội.
Thế nhưng, những bất đồng xảy ra giữa HLV Tavares với VFF cùng giới truyền thông qua nghi án ông Tavares cho cầu thủ Việt Nam sử dụng doping, trong khi đó ông Tavares giải thích những viên thuốc ông yêu cầu các tuyển thủ Việt Nam uống chỉ là thuốc bổ. Khi không có tiếng nói chung, ông Tavares chia tay.
Thay ông Tavares là HLV người Đức Karl Heinz Weigang (năm 1995 - 1997), người từng giúp đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam (trước năm 1975) đoạt Cup Merdeka 1966. Một lần nữa, ông Weigang đã mở ra một chương mới cho BĐVN thời hội nhập, đó là HCB SEA Games 1995 rồi HCĐ Tiger Cup 1996 (tiền thân của AFF Cup).
Sau ông Weigang là Colin Murphy (Anh, năm 1997), Alfred Riedl (Áo, năm 1998 - 2000), Dido (Brazil, 2001), Henrique Calisto (Bồ Đào Nha, năm 2002), Christian Letard (Pháp, năm 2002), Riedl (năm 2003), Tavares (năm 2004), Riedl (năm 2005 - 2007), Calisto (năm 2008 - 2011), Falko Goetz (Đức, năm 2011), Toshiya Miura (năm 2014 - 2016), Park Hang-seo (năm 2017 - 2023), Philippe Troussier (năm 2023 đến nay).
Trong số này có 4 HLV nước ngoài gây ấn tượng mạnh nhất trong lịch sử BĐVN lần lượt là Weigang, Riedl trong thời kỳ đầu và Calisto với danh hiệu vô địch AFF Cup 2008. Park Hang-seo là người cuối cùng cũng là người thành công nhất khi nâng cao vị thế BĐVN với chiến tích đầu tiên là á quân Giải U23 châu Á 2018, sau đó là những thành tích: bán kết ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2019, 2 HCV SEA Games 2019 và 2022 (tổ chức trễ 1 năm do đại dịch COVID-19), vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.
HLV Troussier và vai trò của VFF
Khi ông Park Hang-seo ra đi cuối tháng 1-2023, ngoài bảng thành tích quá ấn tượng là cả một bầu trời trống vắng các tài năng kế cận. Nhưng thực trạng này không thuộc trách nhiệm của ông Park mà là câu chuyện của cả nền BĐVN, của VFF (về đào tạo trẻ, các giải vô địch quốc gia...).
Những thành tích của BĐVN thời ông Park đã khiến nhiều người ảo tưởng rồi đặt kỳ vọng quá cao so với thực tế. Bởi từ lối chơi cho đến thành tích thời ông Park chưa đủ để giúp BĐVN vượt ra ngoài Đông Nam Á.
Chính sự ảo tưởng đó khiến ông Troussier bị phản ứng dữ dội sau khi ĐTVN bị loại từ vòng bảng Asian Cup 2023. Kết quả này đúng là chúng ta không thể hài lòng nhưng có đáng thất vọng rồi đòi sa thải HLV Troussier?
Trong bối cảnh hiện tại, hơn bao giờ hết, mọi người đang chờ đợi tiếng nói của VFF và Hội đồng HLV quốc gia. Những người phụ trách chuyên môn của BĐVN sẽ làm gì để hỗ trợ HLV Troussier khi 2 tháng nữa sẽ có 2 trận với Indonesia ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 của ĐTVN.
Nếu vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026, chắc chắn ông Troussier sẽ tiếp tục là HLV ĐTVN. Nhưng nếu thất bại? VFF sẽ cho ông Troussier thêm thời gian để tiếp tục tái cấu trúc toàn diện với mục đích đưa BĐVN vươn lên tầm cao mới? Hay VFF sẽ sa thải ông Troussier?
Bất ổn ghế HLV
Trong 33 năm hội nhập quốc tế, BĐVN có tổng cộng 25 lần thay đổi HLV trong đó có 10 HLV trong nước, 11 HLV nước ngoài. Trong 11 HLV nước ngoài có ông Riedl dẫn dắt ĐTVN trong 3 giai đoạn (năm 1998 - 2000, năm 2003 và năm 2005 - 2007); ông Tavares 2 giai đoạn (năm 1995, 2004) và ông Calisto 2 giai đoạn (năm 2002, năm 2008 - 2011).
Với những con số này cho thấy sự bất ổn của chiếc ghế HLV ĐTVN. Nhưng đáng nói hơn là VFF không xác định được đâu là triết lý của BĐVN trong xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại để từ đó chọn HLV sao cho phù hợp với con người và nền BĐVN.
Dễ nhận thấy VFF luôn để HLV quyết định chèo lái con thuyền ĐTVN, từ đó các tuyển thủ Việt Nam luôn phải làm lại từ đầu để thích nghi với quan điểm cùng cách huấn luyện của HLV đương nhiệm. Rõ nhất là sự chuyển đổi giữa 2 ông Park Hang-seo và Philippe Troussier.
VFF đã có giải pháp nào để nâng tầm V-League? VFF đã có kế hoạch tái cấu trúc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để số lượng đội hạng dưới nhiều hơn hạng trên (hiện nay số lượng đội V-League nhiều hơn Giải Hạng nhất)? BĐVN vẫn chưa có cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài thành công. Các CLB Việt Nam cũng không đạt kết quả tốt ở các giải của AFC…
Trước bức tranh còn nhiều mảng tối như thế này, thật bất công khi ĐTVN thất bại thì đổ lỗi hoàn toàn cho HLV, còn khi thành công, lại có quá nhiều người của VFF đứng sát bên HLV để chia sẻ vinh quang!
Park Hang-seo là HLV thành công nhất trong lịch sử BĐVN, song vẫn chỉ ở tầm Đông Nam Á, chưa thể vươn lên tầm châu Á. Trong khoảng thời gian ông Park Hang-seo cầm quân, thành tích ĐTVN tốt hơn Thái Lan ở nhiều giải đủ các cấp độ đội tuyển từ U đến quốc gia, cũng như có vị trí cao hơn ở bảng xếp hạng FIFA, nhưng ĐTVN vẫn chưa một lần thắng được đội tuyển Thái Lan ở giải đấu chính thức.
Theo Hoàng Tú (Nld.com.vn)