Ngày 8.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo.
Đây là dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 37 (tháng 9.2024) với nhiều băn khoăn, trong đó có quy định về các chính sách đối với nhà giáo.
Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ đã rà soát, hoàn thiện các nội dung chính sách.
Trong đó, một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo) được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Theo đó, dự thảo Luật đề xuất tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau: Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Dự thảo luật cũng đề xuất chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Thường trực Ủy ban cơ bản đồng tình với quy định về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo tại Điều 25. Đây là vấn đề quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 91 của Bộ Chính trị.
Có ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo (Điều 26, Điều 27), nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo (điểm d khoản 1 Điều 26).
Nhận định chính sách miễn học phí cho con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp của nhà giáo trong dự thảo Luật là chính sách nhân văn, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định này khó áp dụng cho cơ sở giáo dục tư thục và thậm chí trong cả cơ sở giáo dục công lập. Chính vì vậy, cần quy định chính sách theo hướng cho đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội nói rằng không nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Ưu đãi, chính sách đặc thù thì được nhưng quy định “đặc quyền, đặc lợi” là không nên.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, dự thảo Luật cần được hoàn thiện theo hướng đánh giá tác động tới đâu thì quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh tới đó, đưa Luật thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Dẫn số liệu từ Báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ để thực hiện chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên cần khoảng hơn 9.200 tỉ đồng/năm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nguồn lực này là tương đối lớn.
“Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm? Các đồng chí phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo laodong.vn