Vùng đất di sản
Ninh Bình, nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, là vùng đất giao thoa văn hóa với hơn 400 di sản, trong đó có một di sản thế giới, ba di tích quốc gia đặc biệt và hàng trăm di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Nổi bật nhất là quần thể danh thắng Tràng An, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Tràng An bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính và cố đô Hoa Lư, được kết nối bởi hệ sinh thái rừng đặc dụng Hoa Lư trên diện tích 12.252 ha. Nơi đây hội tụ cảnh quan kỳ vĩ với núi đá vôi trùng điệp, hang động xuyên thủy huyền bí, sông hồ uốn lượn và cánh đồng lúa bát ngát. Du khách có thể ngồi thuyền xuôi theo dòng nước, khám phá vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của thiên nhiên.
Tràng An - di sản thế giới
Không chỉ mang giá trị cảnh quan, Tràng An còn lưu giữ dấu tích con người từ hơn 30.000 năm trước, với các chứng tích về săn bắn, hái lượm, thích nghi khí hậu. Hệ sinh thái nơi đây phong phú với hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật, nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ.
Cố đô Hoa Lư, kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt, là chứng nhân lịch sử suốt ba triều đại Đinh - Tiền Lê - đầu Lý. Nằm giữa thung lũng Hoa Lư, nơi đây từng là pháo đài vững chắc với tường thành thiên nhiên bao bọc. Dưới triều Đinh, vua Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, dẹp loạn 12 sứ quân.
Đến triều Trần, vùng núi Tràng An - Hoa Lư tiếp tục là cứ địa quan trọng chống quân Nguyên - Mông, đồng thời là nơi các vua Trần tu hành, phát triển Phật giáo.
Dù chỉ tồn tại 42 năm, nhưng Hoa Lư đã đặt nền móng vững chắc cho nền chính trị Đại Việt.
Đến năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, nhưng dấu ấn Hoa Lư vẫn mãi trường tồn qua những công trình như đền vua Đinh, đền vua Lê, chùa Nhất Trụ - quần thể di tích trải rộng trên 300 ha, giữa cảnh sắc hữu tình của sông Hoàng Long và núi non trùng điệp.
Bên cạnh Tràng An - Hoa Lư, chùa Bái Đính trên dãy núi Bái Đính (Gia Viễn) là một quần thể Phật giáo linh thiêng với chùa cổ và chùa mới, kết hợp vẻ đẹp truyền thống và hiện đại. Chùa sở hữu nhiều kỷ lục như tượng Phật Di Lặc cao nhất châu Á, chuông đồng lớn nhất Việt Nam, thu hút hàng vạn du khách mỗi mùa lễ hội.
Anh hãy về Bái Đính cùng em
Một công trình kiến trúc độc đáo khác là nhà thờ đá Phát Diệm, được xây dựng từ năm 1875 đến 1899, là sự giao thoa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, tạo nên nét đặc sắc riêng trong không gian tôn giáo Việt Nam.
Ngoài những di sản nổi tiếng, Ninh Bình còn có vô số danh thắng như đền Thái Vi, chùa Bích Động, hang Thiên Hà… Mỗi nơi mang một sắc thái riêng, góp phần làm nên bức tranh văn hóa - lịch sử phong phú của vùng đất di sản, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Sự đa dạng văn hóa phi vật thể
Ninh Bình không chỉ nổi bật với các di sản văn hóa vật thể mà còn là mảnh đất giàu có về giá trị văn hóa phi vật thể. Các loại hình nghệ thuật dân gian nơi đây được duy trì và phát triển, phản ánh sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ nghệ thuật hát Xẩm, Hầu đồng, Chèo, đến Mo Mường, mỗi loại hình đều chứa đựng những câu chuyện và giá trị truyền thống độc đáo.
Nghệ thuật Xẩm, một loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam, đã trở thành tiếng hát của những tâm hồn đa cảm, vang vọng giữa các dòng sông uốn lượn qua thung lũng đá vôi của Ninh Bình. Gắn liền với cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, Xẩm phản ánh cuộc sống của người dân lao động, tái hiện những lát cắt sinh động của xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Dù có thời gian bị lãng quên, nhưng nhờ những nỗ lực phục hồi, nghệ thuật Xẩm ở Ninh Bình đã được khôi phục và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Cùng với Xẩm, tín ngưỡng thờ Mẫu và hát Văn tại Ninh Bình cũng là một di sản tâm linh đặc sắc. Tín ngưỡng thờ Mẫu phản ánh nhận thức về tự nhiên và xã hội của cư dân nông nghiệp, đồng thời là nơi gửi gắm những ước vọng của người dân. Thông qua các nghi lễ thờ cúng và hầu đồng, tín ngưỡng này không chỉ duy trì bản sắc văn hóa mà còn gắn kết cộng đồng, góp phần khẳng định giá trị tinh thần vượt thời gian.
Nghệ thuật Chèo cũng có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa của Ninh Bình. Là một trong những cái nôi của Chèo truyền thống, nơi đây đã chứng kiến sự lan tỏa của làn điệu Chèo từ sân đình đến các sân khấu hiện đại. Những làn điệu đặc trưng như Đò đưa hay Đường trường thu không không chỉ mang giá trị giải trí mà còn truyền tải các giá trị đạo đức, giáo dục và lịch sử.
Mo Mường, một di sản văn hóa của người Mường ở Nho Quan, là một loại hình diễn xướng nghi lễ quan trọng trong tang ma và cầu an. Dù ngày nay số lượng thầy Mo có thể thực hiện đầy đủ các bản Mo còn ít, nhưng Mo Mường vẫn được xem là di sản tinh thần quý giá, truyền dạy những bài học sâu sắc về cuộc sống.
Sự tồn tại của Mo Mường, cùng với Xẩm, Hầu đồng và Chèo, đã làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Ninh Bình. Những giá trị văn hóa phi vật thể này là tài sản quý báu cần được bảo tồn và phát huy để tiếp nối bản sắc văn hóa của vùng đất di sản.
Thông điệp từ quá khứ
Di sản văn hóa, dù là vật thể hay phi vật thể, không chỉ là những giá trị hiện hữu mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc mà thế hệ sau cần thấu hiểu. Mỗi di tích, mỗi nét văn hóa mà Ninh Bình gìn giữ là một phần trong biên niên sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Từng viên đá ở cố đô Hoa Lư ghi dấu những ngày đầu lập quốc, khi vua Đinh Tiên Hoàng dấy binh thống nhất giang sơn, đặt nền móng cho Đại Cồ Việt. Những di sản nơi đây không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là chứng nhân cho lòng kiên trung và tinh thần quả cảm của tổ tiên. Qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mỗi di tích đều như một trang sách mở ra, kể lại câu chuyện về sự hy sinh, lòng yêu nước và ý chí bảo vệ quê hương.
Không chỉ vậy, những di sản này còn phản ánh tinh thần lao động cần cù và sự sáng tạo không ngừng của cha ông ta. Từ công trình kiến trúc đến những điệu hát dân gian, tất cả đều mang dấu ấn của bàn tay khéo léo và ý chí kiên cường của người Việt. Những giá trị này vừa là niềm tự hào, vừa là nguồn cảm hứng để thế hệ hôm nay tiếp bước, dựng xây đất nước ngày càng thịnh vượng.
Di sản văn hóa cũng truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Mỗi công trình, mỗi giai điệu dân ca vang lên từ mảnh đất này đều là biểu tượng cho sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam. Những truyền thuyết, nghi lễ, bài ca không chỉ là tài sản văn hóa mà còn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ hôm nay hiểu sâu hơn về cội nguồn.
Trong bối cảnh hiện đại, khi đô thị hóa và phát triển kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, di sản văn hóa lại càng cần được bảo tồn. Chúng không chỉ là chứng tích lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống. Những di tích, danh lam thắng cảnh hay các di sản phi vật thể không chỉ cần được bảo vệ mà còn cần được nhìn nhận như những biểu tượng tinh thần dân tộc, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Mỗi lần đặt chân đến Ninh Bình, du khách không chỉ tham quan cảnh đẹp thiên nhiên hay kiến trúc cổ kính, mà còn có cơ hội lắng nghe tiếng vọng của cha ông, sống lại những khoảnh khắc lịch sử và cảm nhận những giá trị truyền thống sâu sắc. Những di sản ấy không chỉ là bài học về lịch sử mà còn là động lực thôi thúc chúng ta xây dựng một tương lai bền vững, nơi những giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được gìn giữ và phát huy, để mãi mãi sống cùng thời gian.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
Ninh Bình xem di sản văn hóa là hồn cốt dân tộc, là nguồn sống tâm hồn nuôi dưỡng tinh thần bao thế hệ. Từ nhận thức đó, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, giai đoạn 2020-2025, nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản, biến chúng thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, hơn 136 tỷ đồng đã được đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo di tích, biến những công trình cổ trở thành bảo tàng sống động, khám phá lịch sử qua từng vách đá, nóc điện, nét chạm trổ. Bên cạnh di sản vật thể, các giá trị phi vật thể như Hát Xẩm, Chèo, Mo Mường... cũng được bảo tồn, phát huy trong dòng chảy văn hóa.
Với những nỗ lực đó, du lịch Ninh Bình đã có những bước tiến vượt bậc.
Năm 2023, tỉnh đón gần 6,6 triệu lượt khách, doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng.
10 tháng năm 2024, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 7,7 triệu lượt khách, tăng 30,9% so với 10 tháng năm 2023. Trong đó, khách trong nước hơn 6,7 triệu lượt khách, tăng 21,3%; khách quốc tế 979.000 lượt, gấp 2,8 lần. Doanh thu du lịch 10 tháng năm nay của Ninh Bình ước đạt gần 7.773 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu lưu trú hơn 681 tỷ đồng, tăng 24,7%; doanh thu ăn uống hơn 3.877 tỷ đồng, tăng 38,0%.
Quần thể danh thắng Tràng An vẫn là điểm sáng, chiếm 70% tổng lượt khách tới tỉnh, chứng tỏ cho hướng đi bền vững, kết hợp giữ văn hóa và kinh tế.
Bên cạnh đó, Ninh Bình không ngừng đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Lễ hội văn hóa ẩm thực Tam Cốc, Phố cổ Hoa Lư với những chương trình nghệ thuật dân gian đã làm nên dấu ấn, thu hút du khách. Năm 2024, Ninh Bình vinh dự đứng trong "Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới" do TripAdvisor bình chọn.
Trong dòng chảy hậu thế đó, Lai Thành (Kim Sơn), quê cha đất tổ của tác giả, vẫn là một góc nhỏ đậm chất truyền thống. Đền Thượng, Chùa Lai Thành, hệ thống kênh rạch khai hoang của Nguyễn Công Trứ... tất cả đã khắc sâu trong lòng người con xa xứ. Ngày giỗ tổ, con cháu tứ bốn phương trở về, không chỉ để thắp hương mà còn kết nối, duy trì tình làng nghĩa xóm.
Lai Thành không giàu sang hoa lệ, nhưng đậm đà đồng cảm. Bà con đoàn kết, chất phác, giàu nghĩa tình. Ai khó, cả họ giúp, ai đau, cả làng chia sẻ.
Rời bước lên xe về thành phố, mang theo túi gạo nếp, tôi cảm nhận hương vị quê nhà lan tỏa trong lòng, một tình cảm không gì thay thế được.
Theo vanhoavaphattrien.vn