Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 15-1-2025.

Thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, hiện nay quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

0-1736563005.webp
Các chuyên gia Nga hỗ trợ kỹ thuật tại một dàn khoan của Vietsovpetro. Ảnh: Tư liệu

Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư: Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Ủy ban liên Chính phủ họp thường niên. Khóa họp lần thứ 25 được tổ chức tại Nga vào tháng 9-2024.

Sau đại dịch COVID-19, kim ngạch song phương đã có dấu hiệu phục hồi; đạt 3,63 tỉ USD năm 2023 (tăng 2,3%); 11 tháng năm 2024 đạt 4,1 tỉ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,1 tỉ USD (tăng 35,7%) và nhập khẩu đạt 2 tỉ USD (tăng 29,2%).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại, dệt may, giày dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ôtô, máy móc, thiết bị các loại…

Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu, mà Nga là thành viên, đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29-5-2015, có hiệu lực từ ngày 5-10-2016.

Về đầu tư, tính lũy kế đến đầu tháng 11-2024, phía Nga hiện có 199 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD, đứng thứ 26/147 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, được thực hiện tại 21/63 địa phương, bao gồm cả khu vực dầu khí ngoài khơi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,6 tỉ USD, xếp thứ 4/81 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH tại Nga, một số dự án công nghiệp và bất động sản…

Triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân

Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 ngàn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga khoảng 60 - 80 ngàn người

Hợp tác khoa học - công nghệ tiếp tục được duy trì. Hai nước đã thực hiện các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Hai bên đang triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân.

Theo nld.com.vn