Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (BTTN), nằm ở thượng nguồn sông Chu, quản lý gần 24.000ha rừng đặc dụng, thuộc địa phận hành chính 5 xã, thị trấn (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học hàng đầu của cả nước. Với hệ thực vật 1.228 loài, có 56 loài nguy cấp, quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Hệ động vật với 1.811 loài, có 94 loài quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới bao gồm: 28 loài thú, 35 loài chim, 15 loài bò sát, 6 lưỡng cư, 6 loài côn trùng, 4 loài cá.
Điều đặc biệt, trong hoạt động bảo tồn với những nỗ lực nghiên cứu, Khu BTTN Xuân Liên cùng với các nhà khoa học xác định được các loài mới, hiện trạng và sinh cảnh sống của các quần thể động vật, thực vật quý hiếm có ý nghĩa rất lớn cho Việt Nam và thế giới.
Theo thông tin từ Khu BTTN Xuân Liên, kết quả thực địa trên tuyến, điểm và bẫy ảnh xác định được 11 cá thể Mang pù hoạt và 36 ghi nhận khác về loài Mang thường. Với kết quả điều tra trên thực địa cùng kết quả phân tích ADN các mẫu thu thập được dự án đã xác định khu bảo tồn hiện là nơi sinh sống và tồn tại của hai loài Mang: Mang thường (Muntiacus muntjak) và Mang pù hoạt (Muntiacus puhoatensis).
Qua phân tích và so sánh 42 mẫu di truyền của các loài Mang thu thập được ở Khu BTTN Xuân Liên kết hợp với so sánh hộp sọ của các mẫu trong bảo tàng đã khẳng định sự tồn tại của cả hai loài Mang ở đây.
Các thông tin, mẫu sọ và ảnh của Mang pù hoạt là ghi nhận chính thức đầu tiên về sự có mặt của loài này ở Việt Nam với đầy đủ mẫu sọ và hình ảnh thực tế ở Khu BTTN Xuân Liên. Đối với loài Mang pù hoạt đây là những hình ảnh đầu tiên của loài này có được từ khi được mô tả từ năm 1929. Trong năm 1999, một mẫu không hoàn chỉnh của loài này cũng được thu ở Lào xong không có ảnh và chỉ với 1 mẫu không đầy đủ. Chính vì thế, các ghi nhận ở Khu BTTN Xuân Liên hiện tại là ghi nhận mới và đầy đủ nhất và cũng là ghi nhận duy nhất về các cá thể sống của loài này ở đây.
Sự tồn tại của loài Mang pù hoạt ở đây một lần nữa khẳng định giá trị đa dạng sinh học đặc biệt của khu vực này, nơi được biết đến là một trong các khu vực phân bố quan trọng nhất của loài Vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp và của nhiều loài thực vật, động vật nguy cấp, đặc hữu khác. Ngoài ra, ghi nhận đó cũng khẳng định Khu BTTN Xuân Liên là nơi hiện đang có quần thể Mang pù hoạt đang tồn tại duy nhất được biết đến tại thời điểm này trên toàn thế giới. Do đó, việc bảo vệ và quản lý được các giá trị thiên nhiên và rừng ở đây cũng là nhằm bảo vệ và bảo tồn loài Mang quy hiếm có ý nghĩa bảo tồn đặc biệt này.
Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu BTTN Xuân Liên cho biết, trong thời gian qua đơn vị thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, ứng dụng công nghệ và thực hiện công tác điều tra nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu các giải pháp giám sát loài động thực vật rừng quý hiếm hướng tới phục hồi hệ sinh thái động thực vật và thảm thực vật rừng.
"Kết quả điều tra và ghi nhận về các loài Mang ở Khu BTTN Xuân Liên có kích cỡ khác nhau cho thấy quần thể Mang hiện tại ở đây là quần thể đang phát triển, được xác định từ hiệu quả của công tác bảo vệ sinh cảnh. Qua nghiên cứu phát hiện loài Mang pù hoạt được cho là đã tuyệt chủng cách đây gần 100 năm. Đây là một minh chứng thể hiện sự đa dạng tài nguyên, động vật hoang dã đang còn được lưu giữ, vì thế cần có sự chung tay bảo vệ từ chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành cũng như người dân địa phương", ông Tám cho biết.
Mang Roosevelt có tên khoa học là (Muntiacus rooseveltorum), phân tích di truyền đã xác định là Mang pù hoạt (Muntiacus puhoatensis), được gọi là Mang Pù hoạt. Loài có thân hình giống Hoẵng, nhưng nhỏ hơn, trọng lượng từ 14 -20 kg, toàn thân phủ lớp lông mịn mầu vàng nâu hoặc vàng rỉ sắt. Bốn chân mảnh khảnh. Đuôi mập, ngắn khoảng 30 mm. Con đực có sừng ngắn không phân nhánh, chiều dài cả phần gốc và phần sừng không quá 10cm. Loài có phân bố rất hẹp.
Theo skds.vn