Giảm phương thức xét tuyển

Từ 2025, trường Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến bỏ xét tuyển học bạ, dù đây là phương thức có điểm chuẩn rất cao, được nhà trường sử dụng để xét tuyển độc lập trong nhiều năm qua. 

Theo đại diện nhà trường, việc bỏ xét tuyển học bạ nhằm đáp ứng đối với học sinh học theo chương trình mới trên quan điểm chung đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.

trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-1-5038-7603jpg-1736049579.webp
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM. (Ảnh minh họa)

Đại học Quốc gia TP.HCM xác định giảm còn 3 phương thức tuyển sinh đại học, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT.

Với quyết định này, các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tiến tới bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển học bạ của học sinh tại hơn 100 trường THPT trên toàn quốc (theo danh sách cập nhật hàng năm) nhằm đảm bảo công bằng và giúp thí sinh đỡ bị rối.

So với năm ngoái, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bỏ phương thức xét độc lập điểm học bạ, thay vào đó là kết hợp tiêu chí này với chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.

Bùng nổ các ngành học mới

Trường Đại học Luật TP.HCM thông tin ngoài 5 ngành đào tạo lâu nay, trường dự kiến mở thêm tối thiểu 2 ngành mới lĩnh vực Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến mở 6 ngành, gồm: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm; Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành môi trường và phát triển bền vững); Công nghệ tài chính; Quản trị kinh doanh; Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); Công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện).

Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đang nghiên cứu mở mới chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn, dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu cho năm 2025. Trường cho rằng có lợi thế lớn so với các đại học khác ở Việt Nam khi nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều đối tác chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Nhật Bản.

trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-1-5038-7603jpg-1736049635.webp
Nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với loạt điểm mới đáng chú ý. (Ảnh minh hoạ)

Trường Đại học FPT cũng dự kiến mở thêm 6 chuyên ngành mới là Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế. Nhà trường cho biết đã khảo sát nhu cầu, yêu cầu của thị trường tuyển dụng để xây dựng chương trình, đảm bảo đầu ra.

Năm 2025, trường Đại học Thương mại sẽ có 7 chương trình đào tạo mới thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm: Quản trị thương hiệu, Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Kinh tế và quản lý đầu tư, Luật kinh doanh, Thương mại điện tử, Quản trị hệ thống thông tin, Tiếng Trung thương mại. Dự kiến, mỗi chương trình tuyển 80-100 sinh viên.

Tăng chỉ tiêu tuyển sinh

Mở mới các ngành đào tạo, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 của trường Đại học Luật TP.HCM sẽ tăng mạnh lên thêm gần 800 chỉ tiêu với tổng khoảng 4.000 chỉ tiêu.

Trong khi đó, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành so với năm 2024: ngành Y học cổ truyển tăng 20%; Điều dưỡng tăng 10%; Dược học tăng 30%. Các ngành còn lại không tăng chỉ tiêu.

Trường Đại học Tài chính - Marketing sẽ mở thêm ngành Luật thương mại và Kỹ thuật phần mềm. Chỉ tiêu của trường là 4.350 (tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2024). Các phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm trước.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến năm tuyển 7.990 sinh viên cho 62 ngành và chương trình đào tạo, tăng 340 chỉ tiêu so với năm 2024.

Nhiều trường lần đầu tổ chức kỳ thi V-SAT

V-SAT là kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính do các trường đại học tham gia chủ trì tổ chức, Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT phối hợp, hỗ trợ, cung cấp ngân hàng câu hỏi.

Kỳ thi V-SAT tổ chức 7 môn thi độc lập, bao gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Tùy vào mục đích sử dụng kết quả thi, thí sinh được đăng ký dự thi từ 1 đến 7 môn. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính. Từ năm 2025, bài thi V-SAT sẽ có thêm môn Ngữ văn với hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và viết luận trên máy tính.

Năm 2025, có 18 trường đại học thỏa thuận tổ chức thi và sử dụng chung kết quả thi V-SAT, gồm: trường Đại học Luật TP.HCM, Đại học Ngân hàng TP.HCM, Đại học Sài Gòn, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Lạc Hồng, Đại học Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp, Đại học Trà Vinh, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Học viện Ngân hàng, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Duy Tân và Đại học Thái Nguyên.

Đặc biệt, một số trường đại học công bố dự kiến dành 10 - 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành năm 2025 cho phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi V-SAT.

Theo Vtcnews.vn