0-1736411515.webp
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Les Echos, xuất khẩu của Pháp sang Đức - khách hàng lớn nhất của Pháp - đã giảm mạnh trong năm 2024 và dự báo sẽ không có triển vọng phục hồi trong ngắn hạn. Trong đó, ngành công nghiệp Pháp đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nếu như tình hình chính trị bất ổn ở Pháp đang khiến các đối tác bên kia sông Rhine không khỏi lo ngại, thì ngược lại, những khó khăn kinh tế của khách hàng Đức cũng khiến các doanh nghiệp Pháp rơi vào căng thẳng không kém.

Theo công bố của liên minh cầm quyền tại Berlin, nền kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% vào năm 2023, giảm 0,2% trong năm 2024 và sẽ chỉ phục hồi rất ít vào năm 2025. Ở Pháp, tình trạng suy thoái kinh tế của nước láng giềng bên kia bờ sông Rhine đang bắt đầu gây ảnh hưởng.

Đức hấp thụ 14% hàng xuất khẩu của Pháp, nhiều hơn so với bất cứ đối tác thương mại nào khác ở châu Âu. Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2024, xuất khẩu của Pháp sang thị trường Đức đã giảm 7%.

“Chỉ riêng Đức đã giải thích một nửa nguyên nhân khiến xuất khẩu của Pháp giảm 2% trong giai đoạn từ tháng 1-10/2024. Trong quãng thời gian này, doanh số bán ôtô sang Đức giảm 34%, xuất khẩu sản phẩm thép và kim loại giảm hơn 11%,” chuyên gia Bruno de Moura Fernandes, thuộc công ty bảo hiểm – tín dụng Coface, cho biết.

Trên thực tế, chỉ gần đây nền kinh tế Pháp mới chịu tác động tiêu cực từ nhu cầu sụt giảm của Đức. Trong năm 2023, xuất khẩu của Pháp sang cường quốc hàng đầu châu Âu đã trì trệ ở mức khoảng 82 tỷ euro (84,62 tỷ USD). Nhà kinh tế trưởng Philippe Waechter tại công ty quản lý tài sản tài chính Ostrum Asset Management, cho biết: “Nền kinh tế lớn nhất châu Âu không còn đóng vai trò động lực thúc đẩy và toàn bộ châu Âu đều bị trừng phạt vì điều này.”

Tuy nhiên, nhà kinh tế học Maxime Darmet tại công ty bảo hiểm Allianz Trade, cho rằng cuộc khủng hoảng ở Đức lại có một tác động tích cực, theo đó “Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có xu hướng giảm lãi suất hơn.”

Ở giai đoạn hiện nay, tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Pháp đã được hạn chế. Ông Charles-Henri Colombier, Giám đốc kinh tế tại Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô Rexecode, ước tính: “Năm 2024, con số này có lẽ chỉ dao động ở mức 0,1-0,2 điểm, vì xuất khẩu chỉ chiếm 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp. Tình trạng đình đốn ở Đức chủ yếu ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Pháp nhưng nó chỉ chiếm 11% GDP.”

Tuy nhiên, tại Pháp, các nhà cung cấp dành cho sản phẩm “Made in Germany” (Sản xuất tại Đức) đang cảm nhận được tác động của việc giảm nhu cầu từ đối tác lịch sử này.

“Suy thoái kinh tế ở Đức có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng công nghiệp của Pháp, đặc biệt ảnh hưởng đến lĩnh vực ôtô. Hoạt động sản xuất của Pháp và Đức có mối liên hệ rất gắn bó với nhau, điều này dẫn đến hiệu ứng xếp tầng. Các nhà sản xuất máy công cụ hoặc hàng hóa trung gian (thép, cao su, điện tử…) xuất khẩu sang Đức đều bị ảnh hưởng,” chuyên gia Maxime Darmet của Allianz Trade nhận xét.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị các nhà sản xuất Pháp không nên mong đợi sự phục hồi nhanh chóng về nhu cầu ở bên kia sông Rhine. Cuộc khủng hoảng ở Đức không mang tính chu kỳ mà mang tính cấu trúc. “Đang có sự lo ngại về những điều chỉnh quá mức ở Đức trong năm 2025, bởi việc tái cơ cấu chỉ mới bắt đầu trong ngành ôtô trong khi các doanh nghiệp trong những lĩnh vực như hóa chất hoặc dược phẩm đang để mắt đến thị trường Mỹ,” ông Philippe Waechter lưu ý.

Tình hình ở Đức có nguy cơ đáng quan ngại hơn nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực hiện đúng lời cảnh báo tăng thuế quan đối với các sản phẩm từ châu Âu thêm 10%, hoặc thậm chí 20%.

“Nền kinh tế Đức thực sự sẽ ở tuyến đầu do Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Berlin”, ông Maxime Darmet cảnh báo, “kết quả là xuất khẩu của Pháp sẽ tiếp tục giảm. Ngược lại, nếu sau cuộc bầu cử lập pháp dự kiến vào ngày 23/2, Đức tìm cách khởi động lại chính mình bằng một kế hoạch đầu tư lớn, thì triển vọng của các nhà xuất khẩu Pháp có thể được cải thiện. Nhưng tác động sẽ không được cảm nhận trước cuối năm 2025.”./.

Theo vietnamplus.vn