Khó lường
Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ khó lường trong năm trong 2025 với nhiều quan hệ kinh tế sẽ rất căng thẳng. Kinh tế thế giới được dự báo có thể tiếp tục giữ được nhịp tăng mạnh, nhưng cũng có thể sẽ rơi vào tình trạng đình lạm - stagflation (kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao).
Lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại. Cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump tái khởi động với Trung Quốc và nhiều nước có thể sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng vọt, giá vàng tiếp tục leo thang và đồng USD cũng mạnh lên.
USD đã tăng mạnh trong thời gian qua, nếu còn tăng tiếp sẽ gây ra cơn sóng gió mới trên thị trường tài chính và tiền tệ toàn cầu. Nó có thể dẫn tới một đợt rút vốn đầu tư gián tiếp ở nhiều thị trường mới nổi, qua đó gây áp lực lên tỷ giá và sự ổn định kinh tế ở các nước, trong đó có Việt Nam.
Đình lạm là một kịch bản xấu và được một số chuyên gia cảnh báo trước lo ngại về những tuyên bố rất mạnh của ông Donald Trump về thương mại và nhập cư. Kịch bản này xảy ra khi kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh cứng”, suy thoái và sẽ ảnh hưởng tới hầu hết quốc gia, nhất là Trung Quốc, châu Âu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong báo cáo mới nhất, theo công ty quản lý tài chính lớn nhất thế giới BlackRock, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể rơi vào tình trạng hạ cánh cứng nếu Tổng thống Donald Trump có gì đó sai lầm về chính sách. Lạm phát vốn đã dai dẳng có thể sẽ tăng cao hơn nữa do cầu kéo. Tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể và định giá các doanh nghiệp trong mảng trí tuệ nhân tạo (AI) bị ảnh hưởng nặng nề. Bong bóng AI nổ vỡ.
Tuy nhiên, nhìn chung, đa số báo cáo vẫn có cái nhìn khá tích cực hơn so với những dự báo về kinh tế được đưa ra hồi nửa đầu năm 2024, trong đó có các ông lớn như BlackRock, Goldman Sachs, S&P Global…
Trong báo cáo vừa công bố, Goldman Sachs dự báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi bền bỉ trong năm 2025 với mức tăng 2,7%. Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ vượt xa kỳ vọng, đạt 2,5% so với mức 1,9%, theo khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế.
Trước đó, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2025, so với mức ước tính 3,2% trong năm 2024. Kinh tế thế giới vẫn “kiên cường bất chấp những thách thức đáng kể”.
Theo Goldman Sachs, khu vực sử dụng đồng euro dự báo chỉ tăng trưởng 0,8%, thấp hơn nhiều so với mức 1,2% theo khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế. Lý do là bởi các chính sách thương mại tiềm năng dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trên thực tế, ngay sau khi ông Trump thắng cử, thị trường tài chính thế giới đã có nhiều thay đổi. Đồng USD đã tăng rất mạnh, các nước đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất. Trung Quốc bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế…
Theo S&P Global, trong năm 2025, áp lực lạm phát sẽ tăng và Mỹ có khả năng sẽ ngừng cắt giảm lãi suất sớm hơn. Đồng USD khi đó sẽ mạnh hơn.
Goldman Sachs cũng vừa điều chỉnh dự báo về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho năm 2025. Theo đó, Fed sẽ không có đợt cắt giảm nào vào tháng 1. Lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9. Lãi suất cuối chu kỳ sẽ cao hơn một chút, ở mức 3,5-3,75%, so với dự báo trước đó là 3,25-3,5%/năm.
Giá vàng vẫn được hưởng lợi từ chu kỳ giảm lãi suất của Mỹ cũng như một số quốc gia và sức cầu từ ngân hàng trung ương nhiều nước, nhưng tốc độ tăng trong năm 2025, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), có thể tăng chậm lại nếu làn sóng giảm lãi suất bị đảo ngược.
Trên Kitco, theo chuyên gia Nicky Shiels đến từ MKS PAMP, giá vàng sẽ biến động mạnh hơn vào năm 2025 nhưng con đường đến ngưỡng 3.000 USD/ounce đã hẹp hơn. Vàng được dự báo sẽ dao động khá rộng từ 2.500-3.200 USD/ounce. Vàng sẽ đạt mức bình quân 2.750 USD/ounce trong năm 2025, tăng 14% so với năm 2024.
Theo bà Nicky Shiels, tất cả sẽ phụ thuộc vào việc Fed phản ứng trước hay sau những tín hiệu lạm phát của Mỹ thời ông Trump. Nếu Fed ít thận trọng, lãi suất thực sẽ giảm và đồng USD yếu hơn vào nửa cuối năm 2025, giá vàng sẽ tăng lên ngưỡng 3.000 USD.
Theo S&P Global, mức độ ảnh hưởng do các chính sách vẫn là một ẩn số quan trọng. Triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu phụ thuộc vào việc thực hiện chính sách thương mại, nhập cư… của chính quyền ông Trump.
Triển vọng kinh tế của Mỹ cũng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Về lý thuyết, rủi ro kinh tế Mỹ vẫn có thể hạ cánh cứng, nhưng khả năng này theo các tổ chức là không cao. Kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng chậm lại (so với mức 2,9% trong năm 2023 và khoảng 2,8% trong năm 2024), lạm phát cũng có thể tăng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nước này có thể vẫn tích cực nhờ những chính sách giảm thuế mạnh mẽ của ông Trump.
Bên cạnh đó, nếu lĩnh vực đang nóng bỏng và hút dòng tiền lớn AI của Mỹ còn giữ triển vọng tích cực, thị trường chứng khoán số 1 thế giới vẫn sẽ đi lên cho dù đã lập kỷ lục cao mới hàng chục lần trong năm 2024. Kinh tế Mỹ sẽ hưởng lợi. Ngược lại, tình hình sẽ khá xấu.
Với Việt Nam, những biến động quốc tế nhanh và mạnh sẽ tạo ra thêm nhiều biến số mới cho nền kinh tế.
Chia sẻ tại một hội thảo giữa tháng 12, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh bởi chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt của ông Trump. Nhưng ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích CTCK VnDirect, lại cho rằng, chính sách sắp tới của ông Trump về áp thuế quan đối với Trung Quốc, Mexico, Canada, sẽ mang tới cơ hội cho Việt Nam.
Dự báo rủi ro lạm phát sẽ khiến USD treo cao và đồng VND chịu nhiều áp lực. Chuyên gia VnDirect bỏ ngỏ khả năng Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất nếu áp lực tỷ giá vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ông Barry nhận định, Mỹ có thể sẽ không áp thêm thuế quan lên Việt Nam trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump bởi ông Trump có những mối quan hệ tốt với Việt Nam. Mỹ sẽ tập trung hơn vào các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Còn theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ thay đổi và dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc có thể sẽ dịch chuyển sang Việt Nam.
Theo VietNamNet