Bám sát những trọng tâm nghiên cứu phát triển
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về một số nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai trong năm 2025, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược KHCN&ĐMST phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả triển khai giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời xác định những nhiệm vụ cần tập trung triển khai, những nút thắt cần được tháo gỡ trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu của chiến lược.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các viện xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển giai đoạn 2026 - 2030, bám sát những trọng tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển ngành Công Thương, đảm bảo sự phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ về phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên của ngành Công Thương.
Chẳng hạn như: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới...
Đồng thời, chỉ đạo các Viện tiếp tục thực hiện rà soát sắp xếp lại bộ máy tổ chức của đơn vị theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường kết nối, khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy ký kết và triển khai các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST; tăng cường tham gia các chương trình nghiên cứu quốc tế, nhiệm vụ hợp tác song phương và đa phương với các viện, trường, doanh nghiệp mạnh của nước ngoài nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn của Việt Nam.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới
Một nhiệm vụ khác đó là các đơn vị tham mưu trong Bộ sẽ cùng các tổ chức khoa học và công nghệ tập trung rà soát, xác định các dự án đầu tư nâng cao tiềm lực ưu tiên triển khai trong Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, đảm bảo việc thực hiện các kế hoạch phát triển của các viện.
Đồng thời, Bộ sẽ tập trung ưu tiên để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng đồng bộ, minh bạch; tạo thuận lợi cho công tác quản lý và triển khai, phù hợp với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương và của quốc gia.
Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ. Năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Công Thương (Quyết định số 1320/QĐ-BCT); hướng dẫn một số định mức kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ của Bộ Công Thương (Quyết định số 1002/QĐ-BCT).
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung kiện toàn để đẩy mạnh vai trò định hướng, chỉ đạo của Bộ thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ của Bộ đối với công tác xây dựng, triển khai kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm. Đây là những yếu tố quan trọng đảm bảo công tác quản lý và triển khai về KHCN&ĐMST trong năm 2025 và những năm tiếp theo không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2025, trong đó, tiếp tục ưu tiên triển khai những nhiệm vụ khoa học và công nghệ cung cấp bằng chứng khoa học và thực tiễn phục vụ công tác tham mưu, xây dựng và hoàn thiện chính sách của Bộ.
Ngoài ra, tiếp tục ưu tiên phân bổ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, dự án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khuyến khích hoạt động hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để phục vụ phát triển sản xuất trong nước.
Tiếp tục lồng ghép các nội dung hỗ trợ về phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ trong các chương trình, đề án, nhiệm vụ do Bộ Công Thương chủ trì.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030; ưu tiên trọng tâm xây dựng một số nội dung như: Phát triển lực lượng tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; truyền thông phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu, hỗ trợ hoạt động tư vấn chuyển giao đổi mới công nghệ.
Trong năm 2025, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) sẽ hoàn thành và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và các Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị.
Theo congthuong.vn