Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Phùng Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

a-1736148378.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh Dương Chung

Năm 2024, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, công tác đối ngoại và ngoại giao đã được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...

Việt Nam nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao, là điểm sáng về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Năm 2025, ngành Ngoại giao tiếp tục nắm chắc, dự báo đúng tình hình, nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, xu thế mới, nhận diện chính xác thời cơ để luôn giữ vững thế chủ động; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng tầm công tác đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại song phương và đa phương; ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân...

Cùng với đó, tập trung thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, bảo đảm triển khai thông suốt, thống nhất công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo bước tiến đột phá về xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác ngoại giao trong năm 2024; đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Ngoại giao tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động, kịp thời, không để bị động bất ngờ trong chính sách đối ngoại; khai thác hiệu quả hơn nữa những thỏa thuận, cam kết đã ký với các nước, biến thành nguồn lực phát triển của đất nước; xây dựng đội ngũ công tác ngoại giao ngày càng chuyên nghiệp.

Ngành Ngoại giao cần tiếp tục tăng tốc, bứt phá, rà soát lại các mục tiêu nhiệm kỳ và năm 2025, triển khai thực hiện Nghị quyết 18, nhanh chóng ổn định tình hình. Đồng thời, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV của Đảng; tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước.

Trong đó, ngành Ngoại giao cần lường trước những khó khăn, đưa đất nước vào điều kiện thuận lợi nhất trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng phức tạp; độc lập, tự chủ, triển khai đường lối đối ngoại, đa dạng hóa, đa phương hóa; giữ vững cục diện đối ngoại rộng mở, hài hòa, thúc đẩy, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển với tất cả các nước; nhất là các nước láng giềng, bạn bè, truyền thống; khai thác các nguồn lực hiệu quả, vận dụng tối đa kinh nghiệm, trí tuệ, thời gian, đúng thời điểm, đúng lúc để mang đến quyết định thắng lợi trong hoạt động ngoại giao.

Cùng với đó, góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới; củng cố, tăng cường đẩy mạnh 3 trụ cột ngoại giao: Ngoại giao Đảng, đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân; xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Ngoại giao, để củng cố tăng cường tiềm lực ngoại giao cả trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát động các phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm 80 năm ngành Ngoại giao Việt Nam.

Theo baovinhphuc.com.vn