Khó đảm bảo theo quy định
Là giáo viên tiểu học, đảm nhiệm cùng lúc nhiều môn học khác nhau nên việc tự làm các thiết bị dạy học đã trở nên quen thuộc với cô giáo Khánh Vân và nhiều giáo viên khác ở Trường Tiểu học Hạnh Lâm (Thanh Chương).
Đây cũng là một giải pháp khắc phục khó khăn khi hiện nay ngân sách của nhà trường không đủ để mua các thiết bị dạy học tối thiểu theo như quy định.
Nói thêm về điều này, cô giáo Khánh Vân cho biết: Trong danh mục hiện nay của các môn học, hiện quy định đầy đủ các thiết bị để bổ trợ dạy học nhưng do giá của các thiết bị khá cao nên nhà trường chưa trang bị đủ. Thay vào đó, chúng tôi phải hướng dẫn học sinh tự làm thiết bị qua các tiết học Stem, giáo viên tự làm đồ dùng học tập hoặc làm một số mô hình thí nghiệm môn khoa học.
Nếu thiếu các thiết bị này việc dạy học rất khó khăn bởi thiếu đi trực quan sinh động nhằm giúp phát triển tư duy học trò, giảm đi trí tưởng tượng của học trò.
Cô giáo Khánh Vân - Trường Tiểu học Hạnh Lâm (Thanh Chương)
Trường Tiểu học Hạnh Lâm nằm ở vùng khó của huyện Thanh Chương. Những năm qua, dù đã được chính quyền xã, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhưng để đáp ứng theo yêu cầu tối thiểu còn nhiều khó khăn.
Như với môn Tin học, các năm trước toàn trường chỉ có 10 máy tính nên không đủ dạy học Tin học cho học sinh. Để khắc phục khó khăn này, nhà trường đã phải vận động giáo viên đưa các máy tính cũ ở nhà, sử dụng máy tính xách tay để dạy học cho học sinh. Năm nay, nhà trường mới được huyện trang bị thêm một số máy tính nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ.Về các thiết bị dạy học khác theo Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT (quy định Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới), hiện nhà trường chưa có bộ thiết bị nào theo như quy định.
Hiện trang thiết bị dạy học ở trường chúng tôi chỉ đáp ứng được 55- 65%, nhưng đây đều là các thiết bị tận dụng từ chương trình cũ hoặc do giáo viên tự làm.
Còn lại, để có đủ trang thiết bị theo chương trình mới đảm bảo đủ 17 lớp là điều không thể vì cần kinh phí lớn. Hơn nữa, việc mua thiết bị cũng khó khăn vì có nhiều trang thiết bị trên thị trường chưa có để cung ứng.
Thầy giáo Hoàng Văn Danh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạnh Lâm (Thanh Chương)
Tại huyện Nam Đàn, Trường THCS Long Lâm cũng là một trong những trường được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt. Mặc dù vậy, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học vẫn còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Cô giáo Nguyễn Thị Phước Nhuận- Phó Hiệu nhà trường cho biết: Hàng năm nhà trường đều bổ sung mua sắm nhưng chưa đáp ứng được tất cả các bộ môn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, chúng tôi chưa có thiết bị dạy môn Âm nhạc vì chưa có giáo viên dạy học bộ môn này. Phòng Tin học đã có 24 máy nhưng chỉ đáp ứng được một nửa. Các thiết bị cho môn Khoa học tự nhiên, môn Tiếng Anh cũng chỉ đáp ứng được một phần nào nhu cầu...
Chưa đáp ứng nhu cầu dạy học
Thiết bị dạy học được xem làm công cụ hỗ trợ giúp giáo viên truyền thụ kiến thức và làm cho bài giảng thêm sinh động, phát huy khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh.
Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, trang thiết bị dạy học tại các trường trên địa bàn tỉnh chưa được trang cấp kịp thời hoặc không còn phù hợp với điều kiện thực tế.
Đầu tháng 12 vừa qua, qua báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng cho thấy, trang thiết bị dạy học ở các nhà trường theo Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT, số 38/2021/TT-BGDĐT và số 39/2021/TT-BGDĐT về Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các cấp TH, THCS, THPT đều chưa đáp ứng đủ và thiếu nhiều ở các cấp học.
Thiết bị dạy học ở cấp tiểu học mới chỉ đáp ứng được 54%, cấp THCS 68%, cấp THPT 79%.
Một trong những nguyên nhân chính là do ngân sách chưa đáp ứng đủ, kinh phí nhà trường còn hạn hẹp...
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường linh hoạt trong quá trình triển khai như tận dụng sử dụng các trang thiết bị cũ, khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, tăng cường ứng dụng Stem, sử dụng các nguồn học liệu trên mạng Internet. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động các nguồn lực mua sắm trang thiết bị dạy học.
Hiện toàn tỉnh đã có 81 trường tiểu học (chiếm 17%) và 87 trường trung học (chiếm 17,9%) được trang bị phòng học thông minh; có 99 trường trung học được trang bị thiết bị và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh phương thức giáo dục Stem, chiếm 20,4%.
Gần đây nhất, vào giữa tháng 12 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp GDTX. Hội thi được tổ chức trong bối cảnh trang thiết bị dạy học ở nhiều trung tâm GDTX hết sức khan hiếm và chỉ đáp ứng 20% nhu cầu dạy học.
Thực tế cũng cho thấy, hàng năm, kinh phí của các trung tâm phục vụ cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học còn khiêm tốn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học ở các nhà trường…
Là giáo viên đạt giải Nhất ở hội thi này, cô giáo Trần Thị Hồng - Trung tâm GDNN – GDTX huyện Đô Lương cho biết, việc làm mô hình giúp các em khắc sâu kiến thức cấu tạo, chức năng và cách vận hành, qua đó, hình thành nhiều năng lực như năng lực tìm tòi, năng lực tự học, năng lực sáng tạo.
Ngoài ra, còn tạo hứng thú cho học trò, khơi dậy cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Các đồ dùng thiết bị tự làm cũng giúp tôi khắc phục tình trạng “học chay” như hiện nay", cô Hồng cho biết.
Trong giai đoạn 2021-2024, bằng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách sự nghiệp và nguồn từ xã hội hóa, đã đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp được 4.978 phòng học, phòng chức năng, trong đó, xây mới 2.826 phòng; mua sắm trang thiết bị, máy tính, trang bị phòng học ngoại ngữ phục vụ cho công tác dạy học.
Tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học trong giai đoạn 2021-2024 là hơn 3.300 tỷ đồng, trong đó, nguồn huy động từ xã hội hóa gần 620 tỷ đồng.
Theo baonghean.vn