Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu đặt vé máy bay tăng vọt, giá vé cũng tăng cao so với ngày thường. Lợi dụng thời điểm này, trong các hội nhóm trao đổi, mua bán vé máy bay, các đối tượng lừa đảo thường rao bán vé với mức giá rẻ bất ngờ, sau đó yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc, mua bảo hiểm... rồi chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chẳng có của ngon nào giá rẻ
Anh L.C.H. (quận 3, TP.HCM) chia sẻ, cách đây một tháng, anh có đặt mua vé máy bay về Thanh Hóa ăn Tết. Vì kinh tế khó khăn, anh lên MXH tìm vé giá rẻ và thấy một bài đăng trong hội nhóm “Vé máy bay giá rẻ” (hơn 800.000 thành viên), rao bán vé chỉ 1.500.000 đồng/chặng, rẻ hơn nhiều so với giá trên website của hãng hàng không.
Bị hấp dẫn bởi mức giá này, anh liên hệ người bán. Họ yêu cầu anh chuyển khoản trước để xuất vé và cam kết sẽ gửi mã vé ngay sau khi nhận tiền. Tin tưởng, anh H. đã chuyển khoản nhưng không nhận được mã vé như hứa hẹn. Khi liên hệ lại, người bán tiếp tục yêu cầu anh thanh toán thêm 500.000 đồng để mua "bảo hiểm chuyến bay" thì mới được cấp mã vé.
“Lúc này, tôi bắt đầu nghi ngờ và cố gắng yêu cầu hoàn tiền hoặc giải thích rõ ràng. Nhưng họ bắt đầu lảng tránh, không trả lời, và chặn hết mọi liên lạc. Tôi nhận ra mình bị lừa, do đó mọi người hãy cẩn thận, chỉ mua vé qua các kênh chính thức và uy tín, tránh để mất tiền oan như tôi” – anh H nói.
Tương tự, chị VTL (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng bị lừa 1.000.000 đồng khi mua vé qua một trang web giả mạo. Chị thấy một website trông giống hệt của hãng hàng không lớn, với mức giá cực kỳ hấp dẫn. Sau khi điền thông tin và thanh toán, chị không nhận được mã vé. Chị cố gắng liên hệ lại nhưng trang web không phản hồi và đã bị khóa.
Theo ghi nhận của PV, chỉ cần gõ từ khóa "vé máy bay giá rẻ" trên công cụ tìm kiếm MXH, các hội nhóm như “Vé máy bay giá rẻ”, “Khuyến mãi vé máy bay”, “Săn vé máy bay giá rẻ Vietjet, Vietnam Airline, Bamboo, Jetstar”,... có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn thành viên xuất hiện.
Những bài đăng chào mời “con mồi” thường đưa ra giá vé thấp hơn hẳn so với thị trường, chẳng hạn “chỉ 800 triệu đồng/lượt bay Sài Gòn – Hà Nội đã bao gồm thuế phí” hoặc “vé 0 đồng” để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, các đối tượng cũng lập nhiều trang website giả mạo được thiết kế tinh vi, sao chép giao diện của các hãng hàng không uy tín, từ logo, màu sắc đến cách trình bày, khiến người dùng dễ nhầm lẫn. Các quảng cáo thường đưa ra những lời kêu gọi như “ưu đãi sốc”, “giá rẻ nhất thị trường”, hay “chỉ hôm nay” để kích thích người mua nhanh chóng đưa ra quyết định.
Các hãng hàng không liên tục cảnh báo
Trên website chính thức của hãng hàng không VietJet Air cho biết việc mua vé máy bay online mang đến trải nghiệm tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các chiêu trò lừa đảo ngày tăng lên và thủ thuật lừa đảo cũng tinh vi hơn.
Cũng theo VietJet Air, các hành vi lừa đảo khi mua vé máy bay online thường được thực hiện thông qua các website giả mạo. Nhằm lấy lòng tin của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra nhiều trang web có tên đường liên kết gần giống với website của các hãng hàng không, nếu không chú ý, nhiều người thường không phát hiện. Trên website giả tạo cũng được thiết kế tinh vi khiến bạn lầm tưởng đặt vé máy bay tại dịch vụ trực tiếp với hãng nhưng thực chất không phải vậy.
“Để đảm bảo không sập bẫy chiêu trò này, người dân nên đặt vé máy bay online trên website chính thức hoặc thông qua ứng dụng của các hãng hàng không” – VietJet Air nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi mua vé máy bay, người dân còn đối diện với “phòng vé ảo”, các đối tượng thường giả mạo thành những đơn vị đại lý của các hãng hàng không. Nhưng thực chất, các phòng vé hay đơn vị này chỉ lập nên chớp nhoáng để lừa tiền, không cung cấp vé máy bay rồi đóng cửa bỏ trốn. Những phòng vé ảo thường không có hệ thống website chuyên nghiệp, thường mập mờ thông tin, không công bố giá vé máy bay chi tiết,...
‘Để tránh gặp phải các phòng vé “ảo”, người dân cần kiểm tra rõ thông tin công ty, đặc biệt là có thông tin đăng ký với Bộ Công Thương khi đặt mua vé máy bay. Để đảm bảo chắc chắn đây là các trang web đặt vé máy bay uy tín, khi mua vé, du khách cần lấy phiếu thu, hóa đơn và các chứng từ kèm theo vé máy bay. Các giấy tờ này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, nạn nhân có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình” – VietJet Air khuyến cáo.
Tương tự, hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết chỉ có một website chính thức tại địa chỉ https://www.vietnamairlines.com và một fanpage chính thức trên Facebook có tên Vietnam Airlines với hơn 2 triệu người theo dõi, còn lại các fanpage khác đều là giả mạo.
Xác minh kỹ trước khi thực hiện giao dịch
Người dân cần đề cao cảnh giác khi tham gia mua bán vé máy bay trên các nền tảng mạng xã hội. Xác minh kỹ thông tin của công ty, yêu cầu đối tượng cung cấp hợp đồng Công ty, có dấu chữ ký của giám đốc và thực hiện các biện pháp tra cứu để xác thực tên miền website, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ và mã số thuế Công ty trước khi thực hiện giao dịch.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với lực lượng chức năng, chia sẻ qua mạng xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo lan rộng.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo.
Lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ có thể bị phạt tù
Hành vi lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ được xếp vào loại hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản”. Tùy thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt, người có hành vi lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ trên mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Căn cứ điểm c, khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu người thực hiện hành vi lừa bán vé máy bay giá rẻ là người nước ngoài thì ngoài các hình thức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, người này còn bị trục xuất.
Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 (Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức phạt cao nhất tội này là tù chung thân, kèm theo có thể phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, hoặc tịch thu tài sản.
Luật sư Nguyễn Đình Thế, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Theo plo.vn