Vé máy bay khan hiếm, đắt đỏ
Còn gần 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán nhưng việc tìm được vé máy bay thời điểm này không phải là điều dễ dàng, thậm chí chấp nhận bỏ tiền cao hơn cũng không còn vé để mua vào những ngày cao điểm.
Anh Ngô Quốc Hùng, người con xã Hạnh Quảng, huyện Diễn Châu làm ăn sinh sống hơn 20 năm tại TP. Hồ Chí Minh. Những năm trước, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như công việc bận rộn nên gia đình anh không về quê ăn Tết. Năm nay, thời gian nghỉ Tết lâu hơn các năm, anh muốn đưa vợ con về đón Tết tại quê nhà, nhưng các chuyến bay đã kín vé.
Anh Hùng cho biết: Theo lịch thì năm nay, người dân được nghỉ Tết từ ngày 25/1/2025 (tức 26 tháng Chạp), do đó, tôi dự kiến kết thúc ngày làm việc cuối cùng là 24/1 sẽ thu xếp lên máy bay về quê. Mặc dù vậy, tham khảo các trang bán vé trực tuyến của hãng Vietnam Airlines, VietJet Air thì đã không còn vé bay thẳng vào ngày này. Nếu tiếp tục đi máy bay bắt buộc phải sắp xếp công việc, xin nghỉ sớm trước 2 - 3 ngày mới có thể có vé, nếu không phải di chuyển bằng phương tiện khác, thời gian lâu hơn gấp nhiều lần. Điều này rất bất tiện vì số ngày nghỉ thêm cũng bằng thời gian đi tàu, xe về quê mất rồi.
Không chỉ gia đình anh Hùng mà đó cũng là tâm trạng lo lắng của rất đông người dân Nghệ An xa quê, đặc biệt là những người sinh sống, làm việc tại các tỉnh miền Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ... Trong đó, chuyến TP HCM - Vinh luôn là chuyến bay có số lượng hành khách đông nhất đang khai thác tại Nghệ An.
Theo khảo sát tại trang bán vé trực tuyến của hãng Vietnam Airlines, trong ngày 24/1, tức ngày làm việc cuối cùng, có 5 chuyến bay thẳng từ TP HCM về sân bay Vinh đã hết vé phổ thông với giá vé trên 4 triệu đồng. Giá này cao gấp đôi ngày thường dù thời gian bay vào những khung giờ thấp điểm từ 0h55 đến 3h35 phút. Hạng thương gia vẫn còn vé nhưng với mức giá khoảng 6 triệu đồng thì rất ít người tiếp cận được, đặc biệt là những gia đình đông thành viên.
Trong ngày 25/1, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết, các chuyến bay thẳng từ TP HCM về Vinh đã hoàn toàn hết vé ở các hạng, nếu chấp nhận bay nối chuyến TP.HCM - Hà Nội - Vinh thì thời gian sẽ kéo dài gấp đôi và giá vé lên đến hơn 11 triệu đồng, rất khó để người dân có thể chi trả được mức này.
Đối với hãng VietJet Air, trong ngày từ 23 - 26/1, các chuyến bay từ TP HCM về Vinh đã hết vé phổ thông (dao động trên 3,5 triệu đồng). Nếu muốn có vé máy bay tuyến này, người dân phải đi trước ngày 23/1 hoặc sau ngày 26/1, điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải thu xếp thời gian, công việc để về quê sớm hơn lịch nghỉ Tết hoặc về vào 2 ngày cuối cùng của năm là 27/1 và 28/1 (tức 28 và 29 Tết).
Ông Nghiêm Mạnh Tuấn - Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vinh cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi ngày sân bay Vinh có khoảng 50 chuyến bay cất, hạ cánh thì trong dịp Tết Nguyên đán, con số này thường tăng gấp đôi, do nhu cầu của người dân tăng cao nhất trong năm. Trước lượng khách tăng đột biến, sân bay cũng đã có kế hoạch đảm bảo an toàn bay, an ninh, trật tự cho người dân về quê ăn Tết.
Được biết, cả nước có 22 sân bay dân dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, bao gồm 12 sân bay quốc tế và 10 sân bay nội địa. Tại Cảng hàng không Quốc tế Vinh hiện nay đang khai thác 5 chặng bay thẳng đi và đến Vinh bao gồm: Vinh - Hà Nội, Vinh - TP. Hồ Chí Minh, Vinh - Đà Lạt, Vinh - Buôn Mê Thuột và Vinh - Cần Thơ. Ngoài 5 chặng bay này ra, nếu hành khách muốn đi đến các tỉnh, thành còn lại bằng đường hàng không sẽ phải bay nối chuyến.
Chủ động phương tiện
Vé tàu hỏa về Nghệ An trong dịp Tết Nguyên đán cũng đã được đặt kín. Theo trang chủ bán vé của Đường sắt Việt Nam, trong ngày 25/1, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết có đến 11 tàu chuyến TP. HCM - Vinh phục vụ người dân về quê ăn Tết bao gồm: SE8, SE12, SE16, SE6, TN4, SE10, TN6, SE4, SE24, SE14, SE2. Toàn bộ 11 tàu này đều đã kín vé ở các toa, bất kể là hạng vé ngồi mềm điều hòa hay giường nằm điều hòa.
Nếu người dân muốn có vé chuyến này, bắt buộc phải đặt vé từ ngày 21/1 (trước kỳ nghỉ 4 ngày). Theo khảo sát, giá vé trên tàu SE14 từ TP. HCM - Vinh có giá 2,1 triệu đồng trong ngày 21/1 đối với hạng vé ngồi mềm điều hòa (ngày thường có giá 1,4 triệu đồng). Các tuyến khác như Vinh - Đà Nẵng, Vinh - Huế, Vinh - Nha Trang, Vinh - Diêu Trì… cũng ghi nhận lượng khách đặt vé tăng cao. Tàu hỏa là phương tiện được nhiều người dân lựa chọn, vì độ an toàn cũng như giá vé mềm hơn so với đi các phương tiện khác, tuy nhiên, đổi lại, thời gian di chuyển lâu hơn.
Đối với vận chuyển hành khách bằng đường bộ, hiện các nhà xe cũng bắt đầu mở bán vé Tết cho người dân có nhu cầu đặt sớm. Người dân có thể mua vé trực tiếp tại cửa hàng hoặc liên hệ qua số điện thoại, trang bán vé của nhà xe để tham khảo. Tại Bến xe Bắc Vinh - bến xe khách lớn nhất trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 200 phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải hành khách trong và ngoài tỉnh cũng đã sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Do giá vé dịp Tết tăng cao, khan hiếm, hiện nay nhiều người dân có xu hướng chủ động phương tiện để trở về quê trong dịp Tết, đặc biệt là trong bối cảnh cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An đã thông xe, thời gian từ các tỉnh, thành về Nghệ An được rút ngắn, điều này giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, chủ động sắp xếp công việc.
Tại cuộc họp triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch phục vụ vận tải khách dịp Tết năm 2025, Sở Giao thông vận tải Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để đảm bảo yêu cầu về an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và vệ sinh môi trường trước khi tham gia giao thông; nghiêm chỉnh chấp hành quy định về kê khai, niêm yết đúng giá cước đã đăng ký nhằm bình ổn giá, bình ổn thị trường. Thanh tra Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng để kiểm tra, xử lý vi phạm vận tải đường bộ tại các bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng (khi có đề nghị bằng văn bản) để kiểm tra xử lý vi phạm về hoạt động vận tải…
Theo baonghean.vn