888-1729758070.PNG
Cổng vào thôn văn hóa Ngọc Đoài

Ít ăn thịt, chủ yếu ăn thực phẩm tự cung tự cấp, giữ thói quen ăn chay hàng tháng, đặc biệt giữ tinh thần thanh thản… là bí quyết sống thọ của các cụ tại làng Ngọc Đoài. Đây là ngôi làng đặc biệt khi có nhiều cụ ông, cụ bà trường thọ tới 100 tuổi. 

Ngôi làng đặc biệt

Thôn Ngọc Đoài nằm khá tách biệt với những thôn khác khi bao quanh là những cánh đồng lúa xanh mướt. Phía trong làng, đường sá sạch sẽ, hầu như gia đình nào cũng trồng cây xanh tại vườn của mình. Cũng vì thế mà không khí nơi đây rất mát mẻ, trong lành. 

Theo trưởng thôn Ngọc Đoài - ông Nguyễn Văn Hòa, từ bao đời nay, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và làm muối. Công việc như những vùng khác, chỉ có điều đặc biệt đây là thôn có nhiều cụ sống thọ. Theo thống kê của xã Quỳnh Ngọc, năm 2020 toàn xã có 655 cụ ông, cụ bà từ 60 tuổi trở lên. Riêng làng Ngọc Đoài có đến 245 cụ trên 60 tuổi, chiếm hơn 1/3 người cao tuổi của toàn xã. Trong đó có 55 cụ tròn 80 tuổi, 100 cụ trên 90 tuổi. Đặc biệt trong dịp chúc thọ các cụ tuổi tròn 100 nhân dịp xuân Canh Tý vừa qua, Quỳnh Ngọc có 5 cụ thì đều sống thọ ở thôn Ngọc Đoài và đều là cụ bà.

Người dân nơi đây đều biết đến trường hợp cụ Nguyễn Thị Nguyệt. Dù đã 90 tuổi nhưng hiện nay mỗi ngày cụ đều hái rau trong vườn để mang ra chợ bán. Những bó rau này do một tay cụ trồng và chăm sóc. Con, cháu đã nhiều lần khuyên nghỉ ngơi nhưng cụ nhất quyết không chịu, đòi làm việc, vì đó là thói quen từ lâu của mình. Không muốn ngăn cản niềm vui tuổi già của cụ nên con cháu, chắt không bắt cụ ở nhà nữa.

Không những sống thọ, những người sống lâu năm ở đây cho biết so với các ngôi làng khác, tỉ lệ người chết vì bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo ở Ngọc Đoài rất hiếm. Họ không lý giải được nguyên nhân vì sao nhưng phỏng đoán do môi trường sống trong lành, cùng lối sinh hoạt lành mạnh, ít rượu chè của người dân.

8888-1729758109.jpg
Cụ Nguyễn Thị Diễn (bìa phải) năm nay đã 102 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn

Là một trong số những cụ sống thọ của làng, cụ bà Nguyễn Thị Diễn năm nay dù bước sang tuổi 102 tuổi nhưng lưng vẫn thẳng, da dẻ hồng hào và minh mẫn. Hôm người viết đến nhà, cụ đang hì hục tìm chiếc quần cho đứa chắt mặc. Đứa chắt mãi chơi với nhóm bạn ngoài đường nên cụ phải kêu lớn mấy tiếng. Dù đã ngoài 100 tuổi nhưng những thao tác mặc đồ cho chắt của cụ khá linh hoạt, nhanh gọn.

Theo chia sẻ của cụ Diễn, vợ chồng cụ có với nhau 6 người con. Các con đã khôn lớn và lập gia đình nên hiện cụ có 14 cháu, 17 chắt. Người con trai đầu của cụ là ông Đinh Xuân Hùng, năm nay 72 tuổi. Ông Hùng cho biết, thời trẻ vì bố hay đi công tác xa nhà 6 chị em đều do một tay mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng. Vất vả nhưng mẹ ít khi ốm đau. Nếu ốm thì nhẹ cũng vài bà liều thuốc đã khỏe lại. Khi con cái đã phương trưởng, có gia đình riêng thì cụ Diễn sống vui vầy tuổi già bên người chồng Đinh Nguyên Phú. Cho đến tháng 7/2019, sau một lần không may bị ngã, gãy xương cụt khiến cụ Phú phải nằm một chỗ. Vết thương khó lành khiến cụ ra đi sau đó không lâu với tuổi thọ 93 tuổi.

 Bất ngờ "bí quyết" sống thọ 

Chồng mất, cụ Diễn vẫn duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh. Chia sẻ về bí quyết sống thọ, cụ bà cho biết không có bí quyết gì đặc biệt ngoài việc hạn chế ăn thịt, ăn nhiều rau quả tự làm được và thực hiện chế độ ăn chay. 

Cụ Diễn chia sẻ, trong mỗi bữa cơm hàng ngày cụ đều ăn uống đạm bạc. Ngoài những loại rau có sẵn trong vườn, cụ chủ yếu dùng của người thân quen. Các loại thịt thì mua của những người trong làng, tự chăn nuôi được. Đặc biệt, một tháng hai ngày (mồng 1 và 15 âm lịch) cụ đều ăn chay. Bữa cơm chay chủ yếu là cơm trắng với mối vừng, lạc. 

Lối sống lành mạnh, an nhiên, ít ganh đua, ganh tị với người khác cộng với không khí trong lành, nhiều cây xanh giúp sức khỏe cụ dẻo dai. Cụ Diễn còn chia sẻ một thói quen trong sinh hoạt của mình là nhai trầu. “Tôi nhai trầu từ lúc 16, 17 tuổi. Thói quen này kéo dài cho đến nay. Hàng ngày dù không ăn vặt nhưng tôi lại mê ăn trầu. Thiếu cơm thì được chứ một ngày mà không có trầu để nhai là tôi không chịu được”, cụ Diễn cho biết. 

u-1729758145.PNG
Dù tuổi đời đã tròn thế kỷ nhưng cụ Đặng Thị Trâm (giữa) vẫn làm việc phụ giúp con cái (ảnh: Báo Nghệ An)

Cách nhà cụ Diễn không xa là nhà cụ Đặng Thị Trâm. Vừa bước sang tuổi 100, cái tuổi xưa nay hiếm thấy, thế nhưng cụ Trâm vẫn mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Hàng ngày cụ vẫn cắt rau, làm công việc nhà, cho gà ăn như những cụ bà 60, 70 tuổi. Những lúc mùa màng, con cái trong nhà bận rộn, cụ Trâm tự ra vườn hái rau, nấu cơm và phụ giúp việc nhà. Đến cái tuổi đáng ra cần phải nghỉ ngơi, nhưng với cụ Trâm khi đang còn sức khỏe thì chỉ muốn được làm việc, đỡ đần con cháu. 
Cụ Trâm chia sẻ, hàng ngày thức dậy, tôi thấy sân nhà bẩn nên cầm chổi quét, cho con gà ăn, ra vườn nhặt cỏ. Bây giờ nếu nằm một chỗ sẽ thấy mệt mỏi hơn, với lại khi con cái đi xa về thấy bà sống thọ mà vẫn minh mẫn mạnh khỏe thế này hấn cũng mừng.

Cụ Trâm, cụ Diễn chỉ là một trong số các cụ “sống trường thọ” ở thôn Ngọc Đoài. Ông Hồ Ngọc Hoàng - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc chia sẻ: Làng Ngọc Đoài được ghi nhận là có nhiều cụ sống thọ, đặc biệt số cụ từ 100 tuổi trở lên nhiều nhất xã. Ngôi làng này được bao quanh bởi con sông Thái, đất đai phì nhiêu, hoa màu tốt tươi. Nhân dân thường đánh bắt cá, mắm cáy, hái rau ngót để ăn cho nên cũng có thể nguồn thức ăn tự nhiên, môi trường sống trong lành đã tác động đến tuổi thọ của người dân nơi đây.

Thời gian qua, địa phương có chủ trương thực hiện cuộc vận động do UBMTTQ xã chủ trì, toàn dân chăm sóc người cao tuổi. Bằng việc cứ mỗi hộ gia đình ủng hộ, quyên góp một số tiền nhất định để gây quỹ. Đến dịp mừng thọ, với số tiền quyên góp được sẽ trao cho các thôn lấy đó hoạt động, thăm hỏi, tặng quà các cụ. Qua đây động viên các cụ sống vui, sống khỏe, làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được nguồn thức ăn là bí quyết giúp người dân ở đây sống trường thọ.

Một nét độc đáo của làng Ngọc Đoài hiện nay là giữa nhịp sống công nghiệp hiện đại nhưng làng vẫn duy trì được phương thức sản xuất tự cung tự cấp là chính. Sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm ở đây người dân chỉ có bán ra chứ hiếm khi mua vào. Bên cạnh đó là lối sinh hoạt lành mạnh, không khí trong lành đã góp phần giúp ngôi làng này có nhiều cụ sống thọ.

Theo Báo Pháp Luật