1-1736411880.jpg
Hiệu vàng nơi xảy ra vụ cướp. Ảnh: CACC

Tin tức mới nhất vừa cập nhật, theo công an huyện Tuy Phước, Bình Định, khoảng 20h30 ngày 6/1, Trần Quốc Việt (SN 1980, trú xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai)  mặc áo khoác đen, đội mũ, đeo khẩu trang, đeo găng tay, đi mô tô không gắn biển số, mang theo bình xịt hơi cay, búa đến tiệm vàng M.N. ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) để gây án.

Khi thấy ông T.V.A. (SN 1970, chủ tiệm vàng) hỏi về nhu cầu mua, bán vàng, Việt đã dùng bình xịt hơi cay và búa tấn công ông A, sau đó phá tủ kính cướp vàng rồi tẩu thoát.

1-1736411938.jpg
Đối tượng bị bắt khi lẩn trốn trên ngọn dừa ở nhà dân. Ảnh: CACC.

Thượng tá Nguyễn Văn Đây - Trưởng Công an huyện Tuy Phước (Bình Định) xác thực thông tin trên Dân trí và cho biết, Công an huyện Tuy Phước đã huy động lực lượng tổ chức truy bắt. Quá trình tìm kiếm, Việt lẩn trốn trên đọt cây dừa trong vườn nhà dân, cách hiện trường gây án khoảng 1km. Khi phát hiện cơ quan công an, đối tượng nhảy xuống tháo chạy nhưng bị khống chế, bắt giữ lúc 22h30 cùng ngày.

Tại cơ quan chức năng, Việt khai nhận, do bản thân cần tiền tiêu xài và trả nợ nên đã chuẩn bị sẵn phương tiện, hung khí rồi bỏ vào cốp xe chạy từ TPHCM chạy về Gia Lai. Khi qua đến xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), thấy tiệm vàng không có người trông coi nên vào cướp.

Theo Công an huyện Tuy Phước, Việt có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phước (Bình Định) đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ 3 ngày đối với Trần Quốc Việt (SN 1980) để điều tra làm rõ hành vi "Cướp tài sản".

Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) là cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản.

Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì khung hình tội cướp tài sản như sau:

Khung 1:

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

- Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

- Làm chết người;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Theo gocnhinphaply.nguoiduatin.vn