Táo đỏ, còn được biết đến với tên gọi là táo thuốc Bắc hay táo đỏ Trung Quốc, thường được sử dụng trong y học cổ truyền để đem lại lợi ích cho sức khỏe.
Theo các tài liệu ghi chép, táo đỏ có hàm lượng chất xơ cao, calo thấp, chứa một lượng nhỏ các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt giàu vitamin C, có đặc tính chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Bên cạnh đó, táo đỏ cũng chứa một lượng kali hợp lý, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cơ bắp.
Táo đỏ cũng thường được sử dụng trong các bài thuốc chống dị ứng, các món ăn chữa huyết áp thấp, bổ gan, ngừa chứng bệnh Alzheimer, cải thiện giấc ngủ tăng cường chức năng não, tốt cho tim mạch, cải thiện hệ tiêu hóa, giúp kháng khuẩn chống viêm...
Đáng nói, dù bổ dưỡng như vậy nhưng nếu như dùng táo đỏ sai cách, bạn sẽ làm hại cơ thể chính mình.
Các chuyên gia đã chỉ ra, không nên ăn táo đỏ chung với củ cải bởi trong táo đỏ chứa ceton đồng. Khi ăn chung, ceton đồng sẽ có tác dụng với axit cyanogen trong củ cải gây ra bệnh bướu cổ.
Nếu đang dùng venlafaxine hoặc một số loại thuốc khác dùng chống động kinh thì không nên ăn táo đỏ. Hoặc, khi mắc các bệnh về tiểu đường cũng nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm này.
Đồng thời, có những đối tượng không nên dùng táo đỏ, cụ thể như:
Người đàm thấp
Người đàm thấp thường có bựa lưỡi dày, miệng nhầy, xuất hiện chứng lười ăn, có cảm giác dạ dày căng lên, người mắc bệnh nặng còn thấy chóng mặt và đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, mặt phù thũng. Vì táo đỏ có tính nhầy làm tăng trưởng ẩm, khiến cho những triệu chứng kể trên càng nghiêm trọng hơn.
Người thượng hỏa
Những đối tượng này thường có cơ thể hơi nóng, bị táo bón, miệng hôi, bị sưng trong cổ họng, răng lợi, còn táo có vị ngọt tính ôn, nếu dùng nhiều tương tự như thêm dầu vào lửa.
Người mới bị cảm mạo
Người bị cảm là vì thể chất bị nhiễm gió lạnh hoặc nóng, lúc này mà ăn nhiều táo đỏ thực sự không tốt chút nào, sẽ làm tăng đặc điểm dính và nhầy của cơ thể, làm khí xấu càng dễ đọng lại, gây hại cho quá trình tự hồi phục.
Theo Kiều Dụ (Kienthuc.net.vn)