Là một người con của quê hương Đức Thọ an cư, lập nghiệp ở Thủ đô Hà Nội suốt hàng chục năm qua, bà Đoàn Thị Minh Hồng (SN 1949) vẫn luôn giữ trong mình niềm đam mê cháy bỏng với dân ca ví, giặm. Đều đặn vào thứ 3, thứ 6 hằng tuần, bà lại tham gia sinh hoạt tại CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở Hà Nội như để tìm thấy hơi ấm tình quê chất chứa trong lời ca. Tại đây, bà cùng các thành viên của CLB cùng nhau sáng tác, biểu diễn và lan tỏa nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian xứ Nghệ đến với đời sống tinh thần của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.
“Tôi tham gia văn nghệ quần chúng đã lâu và cũng dành thời gian nghiên cứu về các làn điệu dân ca ví, giặm rồi tập tành sáng tác. Trước đây, tôi chỉ nghĩ tham gia sinh hoạt tại CLB ví, giặm để thỏa mãn tình yêu với làn điệu dân ca quê hương nhưng sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, tôi lại mong muốn lan tỏa, trao truyền ví, giặm đến đông đảo bạn bè” - bà Đoàn Thị Minh Hồng tâm sự.
Với số lượng khoảng 30 thành viên, không gian diễn xướng khá thô sơ nhưng với tất cả thành viên trong CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội, mỗi khi tụ họp về đây, họ đều trào dâng niềm đam mê và tình yêu quê hương tha thiết. Chính tình yêu đó cùng những sức hút mãnh liệt từ ca từ, giai điệu của ví, giặm mà rất nhiều bạn bè ở các vùng quê khác nhau đã tìm đến, hòa chung niềm đam mê như những người con xứ Nghệ thực sự.
Bên cạnh việc trình diễn các tổ khúc dân ca ví, giặm do cha ông và những nghệ nhân đi trước để lại, các thành viên nòng cốt của CLB còn sáng tác nhiều làn điệu mới để bắt nhịp với dòng chảy cuộc sống. Trong đó, nhiều chủ đề được đông đảo mọi người yêu thích như: viết về doanh nghiệp, sinh viên, tình yêu quê hương, đất nước… Nhờ sự lan tỏa đó, CLB nhiều lần được vinh dự mời biểu diễn tại các hội thảo, hội nghị cấp quốc gia, tọa đàm cấp tỉnh và thành phố về bảo tồn văn hóa dân gian; tham gia các hoạt động về việc phát huy, bảo tồn ví, giặm xứ Nghệ. Qua đó cho thấy sự tâm huyết, nhiệt thành của các thành viên CLB luôn mong muốn lan tỏa nhiều giá trị cao đẹp và văn hóa độc đáo của người dân xứ Nghệ.
Bà Nguyễn Thị Thành - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội cho biết: “Suốt hơn 10 năm thành lập, số hội viên tham gia CLB ngày càng tăng và thường xuyên lưu diễn ở các sự kiện âm nhạc trong và ngoài nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng CLB cố gắng duy trì hoạt động, miệt mài tập luyện và nhận thấy ngày càng có nhiều tài năng trẻ đến sinh hoạt, có trách nhiệm với vốn cổ quê hương”.
Không chỉ riêng ở Thủ đô Hà Nội, những khúc dân ca ngọt ngào, sâu lắng của xứ Nghệ cũng được cất lên đầy mê đắm giữa lòng thành phố mang tên Bác. Dưới sự dẫn dắt của cố Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh, năm 2016, CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phía Nam ra đời như một sân chơi văn hóa cho các thành viên Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi để những người con xứ Nghệ xa quê được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phía Nam quy tụ khá đông người Nghệ yêu dân ca, đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Dù công việc hằng ngày có phần mệt mỏi, bận rộn nhưng khi tham gia sinh hoạt CLB, các thành viên đều cất lên những điệu ví, giặm chân thành, tự nhiên nhất.
Chị Nguyễn Bích Thủy - Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phía Nam bày tỏ: “Hiện tại, chúng tôi duy trì sinh hoạt CLB đều đặn hằng tháng bằng các hình thức sinh hoạt trực tiếp hoặc qua online. Ngoài ra, để hướng đến quy mô chuyên nghiệp, hiện đại, chúng tôi cũng thường xuyên mời các nghệ nhân, nghệ sỹ, giảng viên có chuyên môn hướng dẫn, đào tạo cho các thành viên, đặc biệt là các bạn trẻ. Thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục có những định hướng, cách làm để lan tỏa sâu rộng văn hóa đặc sắc của người dân xứ Nghệ tại thành phố sôi động và phát triển bậc nhất Việt Nam”.
Sinh ra trong một gia đình làm nông, từ nhỏ, những làn điệu dân ca ví, giặm trong lời ru của bà, của mẹ đã ngấm vào chàng trai Nguyễn Công Minh (SN 2002, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh). Khi trở thành sinh viên Khoa Âm nhạc di sản truyền thống (Học viện Âm nhạc Huế), với tình yêu cháy bỏng dành cho dân ca ví, giặm, Công Minh thường xuyên giao lưu, chia sẻ, giữ gìn bản sắc quê hương bằng lời ca, tiếng hát.
Công Minh cho biết, em duy trì tình yêu với dân ca ví, giặm qua những buổi tự học và tập luyện các làn điệu từ các bậc nghệ nhân, nghệ sỹ đi trước. Em cũng thường thể hiện các làn điệu dân ca ví, giặm trong những buổi biểu diễn âm nhạc trên đất Cố đô. Qua đó, em phát huy được sự sáng tạo, hát ứng khẩu, thử tài thông minh khi vận dụng hát ví vào cuộc sống thường ngày. Với em, những làn điệu “Mời trầu”, “Ví phường vải”, “Ví phường nón”… luôn có một sức hấp dẫn kỳ lạ, không lúc nào cảm thấy bị nhàm chán.
Nguyễn Công Minh bày tỏ: “Trong nhiều buổi biểu diễn em thường được mọi người đề nghị hát dân ca ví, giặm. Điều này khiến em cảm thấy rất vui và tự hào khi có thể mang làn điệu của quê hương đi khắp mọi miền. Trong tương lai, em sẽ cố gắng học hỏi, đưa dân ca ví, giặm vào chuyên ngành mình đang học để có thể lan tỏa những làn điệu này hơn nữa. Đồng thời, em cũng mong muốn sẽ có thể thành lập một CLB dân ca ví, giặm trên đất Huế để làm nơi sinh hoạt, tâm tình cho những người có chung niềm đam mê”.
Các CLB dân ca ví, giặm có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc là những “sứ giả”, những nhịp cầu nối văn hóa, con người Nghệ Tĩnh đến muôn nơi. Theo bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh: Hiện nay, có khoảng 700 CLB dân ca ví, giặm trên cả nước với rất nhiều hình thức sáng tạo, tập luyện, đầu tư các tác phẩm có nội dung chất lượng và hình thức phong phú, hấp dẫn. Theo dòng chảy của thời gian, các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Dương… vẫn đang là nơi duy trì, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, từ đó tạo thêm niềm tin yêu và động lực cho mỗi người con xa quê, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Những câu hò, điệu ví, những làn điệu dân ca ngọt ngào đã nuôi dưỡng tâm hồn và theo suốt cuộc đời những người con Nghệ Tĩnh dù họ sinh sống, làm việc ở bất cứ nơi đâu. Với nỗ lực “chắp cánh” cho di sản của cha ông sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần, họ đã lan tỏa niềm tự hào, niềm yêu thích câu hò, điệu ví đến muôn phương...
Theo Báo Hà Tĩnh